Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 04:14 GMT+7

Ứng dụng công nghệ điện tử để giảm thiểu khai thác IUU

Biên phòng - Sử dụng thiết bị giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc và nhật ký điện tử giúp quản lý hiệu quả việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

img-9345
Ông Trần Đình Luân phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo kỹ thuật về “Hệ thống công nghệ điện tử giúp giảm thiểu khai thác IUU” do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và Tổ chức giám sát khai thác thủy sản cầu (GFW) tổ chức sáng nay, 19-12 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi nghề cá sang bước mới hướng tới sự phát triển bền vững. Hiện, Việt Nam có hơn 90.000 tàu cá. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để giảm thiểu tình trạng khai thác IUU thì việc ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa nghề cá, giám sát khai thác thủy sản là rất cần thiết.

Với nỗ lực quản lý tàu cá, trên cơ sở ban hành các văn bản pháp luật năm 2017 quy định tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp thiếu bị giám sát hành trình, Việt Nam đã triển khai hệ thống giám sát tàu cá từ năm 2018.

Ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, đến nay, hệ thống giám sát tàu cá đang quản lý, giám sát hoạt động của 9.421/31.541 tàu cá 15cm trở lên (đạt 30%), 2.027/2.618 tàu cá có chiều dài trên 24m (chiếm tỉ lệ 78%) và 7.394/28.923 tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m (chiếm tỉ lệ 26%).

Hệ thống giám sát tàu cá có thể quản lý tập trung, thu nhận thông tin dữ liệu tàu cá của cả nước như vị trí, hải trình, thông tin tàu; lưu trữ, quản lý, trích xuất dữ liệu tàu hoạt động trên các vùng biển; cảnh báo khi tàu ra vùng biển nước ngoài, vào khu vực cấm khai thác, hoạt động sai vùng, sai tuyến.

Chia sẻ dữ liệu và phân cấp quản lý để các địa phương truy cập dữ liệu tàu cá phục vụ truy xuất ngồn gốc; kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống của các cơ quan chức năng liên quan (thông tin về thời tiết, ngư trường…) phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

4bhd9ywn10-23038_f_k4cgi1zg0_IMG_0157
Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu đến tháng 4-2020 hoàn thành việc lặp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thông tin liên quan đến công nghệ nhật kí điện tử (eCDT) và hệ thống dữ liệu giám sát tàu cá; thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quản lý liên quan đến hoạt động chống khai thác IUU; nghiên cứu dữ liệu giám sát tàu cá để sử dụng những dữ liệu này một cách hiệu quả góp phần cải thiện công tác quản lý nghề cá nước ta.

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tàu cá tại các địa phương có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Đại diện tổ chức GFW chia sẻ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quản lý tàu cá thông qua giám sát bằng vệ tinh và trí thông minh nhân tạo (AL).

GFW cho biết sẽ chia sẻ, hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam kỹ thuật để phân tích hoạt động đánh bắt cá với dữ liệu VMS; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trung tâm thông tin; phân tích, cảnh báo vi phạm của các tàu cá; hỗ trợ cải thiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản qua phân tích dữ liệu và đánh giá rủi ro IUU.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO