Biên phòng - Xuân này, vùng biên giới huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai dường như náo nức, rộn ràng hơn nhờ những con số tăng trưởng vượt bậc. Niềm vui ấy còn được nhân đôi khi đời sống của đồng bào vùng cao ngày càng được cải thiện nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.
Điểm nhấn quan trọng trong thành tựu kinh tế - xã hội của huyện Bát Xát thời gian qua chính là lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nên địa phương này đã tạo ra những đột phá, từ những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các mô hình cho năng suất, hiệu quả cao như: Trồng rau sạch, rau trái vụ, trồng chuối, nuôi cá lăng, nuôi lợn lai rừng...
Đặc biệt, các loại cây trồng, vật nuôi đều hướng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch nhờ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến phát triển bền vững. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng góp phần trực tiếp tạo việc làm và giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.
Tôi bất ngờ khi được giới thiệu lên núi tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Quang Thịnh, ở thôn Làng Kim, xã Quang Kim. Được biết, gia đình anh Thịnh là một trong những hộ dân đầu tiên ở huyện Bát Xát trồng dưa lưới Nhật Bản với quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Giữa những ngày lạnh giá, nhưng do được trồng trong nhà lưới và được chăm sóc tốt theo đúng kỹ thuật, nên vườn dưa của gia đình anh Thịnh phát triển xanh tốt, cho quả to, đều. Trong vụ thu hoạch vừa qua, khu vườn rộng 2.000m2 đạt sản lượng hơn 5 tấn dưa. Với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Thịnh lãi gần 200 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thịnh cho biết: “Do niềm đam mê với nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường nên tôi đã đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng mô hình này từ đầu năm 2019. Nhờ ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới nước, bón phân tự động nên cây trồng có thể chịu được tác động xấu của thời tiết, ngăn ngừa côn trùng, dịch bệnh”.
Đến nay, huyện Bát Xát có hơn 634ha diện tích ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao, trong đó, diện tích trồng rau là 99ha, diện tích trồng cây ăn quả là 355ha, 175ha trồng chè và 50ha trồng cây dược liệu.
Một số mô hình cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới tại các xã Quang Kim, Bản Qua, Cốc San cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau trái vụ tại xã Trịnh Tường và xã Y Tý cho thu nhập trên 140 triệu đồng/ha; mô hình trồng măng tây, dưa lê, bí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng huyện Bát Xát và tỉnh Lào Cai, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bát Xát không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai.
Đi đôi với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh với diện tích 280ha, trở thành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Có thể kể đến các mô hình nuôi cá hồi, cá tầm ở các xã Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung, Sàng Ma Sáo hay mô hình nuôi cá lăng tại xã Bản Qua đã tạo ra hướng phát triển sản xuất mới cho vùng cao biên giới, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả đó, nơi nào có nguồn nước dồi dào, diện tích đất ruộng kém hiệu quả đều được bà con tận dụng, chuyển đổi để nuôi thủy sản.
Nhờ nuôi cá lăng nên gia đình ông Nông Văn Vảng, ở thôn Bản Vai, xã Bản Qua đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống no đủ hơn. Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cá lăng, ông Vảng chia sẻ: “Đầu năm 2018, gia đình tôi được chính quyền địa phương và BĐBP vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Không những được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, gia đình tôi còn được hỗ trợ 2.000 con cá lăng giống từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện. Đến nay, đàn cá đã sinh trưởng, phát triển tốt. Với giá bán 100.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí”.
Giờ đây, câu chuyện thoát nghèo, vươn lên giàu có từ mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trên biên giới huyện Bát Xát không còn hiếm. Đặc biệt nhiều gia đình sống ở các xã giáp biên giới rất “ưng cái bụng” với việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả như chuối, dứa, cam…, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, bò, cá... phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tết này, vùng biên Bát Xát khoác trên mình một màu ấm no, sung túc. Từ nguồn thu nhập ổn định, nhiều nhà mới khang trang mọc lên, đồng ruộng rộn rã các phương tiện hỗ trợ sản xuất; thôn bản ngập tràn ánh sáng văn minh từ những thiết bị nghe nhìn hiện đại.
Bát Xát đón chào Xuân mới với khí thế mới và bao kỳ vọng về hướng phát triển hiện đại, bền vững.
Hiệu quả từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Bát Xát trong thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm rõ rệt, từ 45,1% năm 2015 xuống còn 18,5% như hiện nay; giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, chăn nuôi ước đạt 65 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 37 triệu đồng/năm. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Thành Chung