Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

UNCLOS năm 1982 - thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc tế

Biên phòng - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được giới chuyên gia đánh giá là một thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc tế. Trải qua hành trình 40 năm, thực tế đang cho thấy, văn kiện này vẫn vẹn nguyên giá trị phổ quát, bao trùm. Cùng với đó, nhiều quốc gia đang tăng cường gắn kết để cùng nhau bảo vệ các giá trị của UNCLOS.

Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, trải qua hành trình 40 năm, UNCLOS năm 1982 không chỉ đảm đương tốt vai trò Hiến pháp, Điều ước quốc tế về biển, mà còn là một văn kiện sống, thực sự đóng góp vào việc hình thành và bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, hợp tác quốc tế trên biển. Hiện nay, có tới 168 quốc gia là thành viên của UNCLOS cho thấy Công ước này đã thực sự trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc và là bản “Hiến pháp về biển và đại dương”. Sự ra đời của UNCLOS năm 1982 đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong việc sử dụng biển, quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.

UNCLOS năm 1982 là căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện để xác định các vùng biển, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Đồng thời, UNCLOS năm 1982 cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng UNCLOS năm 1982.

Tiến sĩ Bec Strating, Giám đốc La Trobe Asia, Phó Giáo sư về Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học La Trobe ở Melbourne (Australia) cho rằng, UNCLOS năm 1982 là một thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc tế. Trong đó, nhiều quốc gia ven biển mới và nhỏ đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán và UNCLOS 1982 đã cho phép các quốc gia này đưa ra những tuyên bố hợp pháp đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), trong một số trường hợp là những vùng biển rộng lớn. Mặc dù các quy định của UNCLOS năm 1982 vẫn còn một số hạn chế, song, Công ước thực sự đã tạo ra một khuôn khổ cho một trật tự hàng hải toàn cầu công bằng và bình đẳng mà nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ, duy trì và bảo vệ.

Phân tích sâu hơn tại châu Á, Tiến sĩ Strating chỉ ra rằng, nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ một trật tự hàng hải được xác lập dựa trên UNCLOS năm 1982, ngay cả khi một số quy định cụ thể trong UNCLOS năm 1982 được các nước diễn giải khác nhau. Trong UNCLOS năm 1982, các điều khoản giải quyết xung đột được sử dụng để giúp giải quyết các tranh chấp trên biển trên khắp châu Á. Các cuộc tranh chấp điển hình tại khu vực là về phân định ranh giới lãnh hải giữa Australia và Timor-Leste, tranh chấp về phân định ranh giới biển tại vịnh Bengal giữa Bangladesh và Ấn Độ... Theo Tiến sĩ Strating, dù các tranh chấp này có thể chưa được giải quyết triệt để, nhưng UNCLOS năm 1982 đã cung cấp cơ sở pháp lý cho các quốc gia đảo và ven biển thực hiện quyền tài phán.

Tại Nam Thái Bình Dương, các quốc đảo đang đi đầu trong các cuộc thảo luận quốc tế về cách thức luật biển trong khuôn khổ UNCLOS năm 1982 nên ứng phó với vấn đề mực nước biển dâng và ảnh hưởng của vấn đề này đối với biên giới trên biển. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã được các quốc gia khu vực trong và ngoài Đông Nam Á sử dụng trong hoạt động ngoại giao công khai và hợp pháp nhằm ủng hộ các nguyên tắc của một trật tự phù hợp với UNCLOS năm 1982.

Chung chí hướng thượng tôn pháp luật quốc tế

Liên quan vai trò của Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 được thành lập tháng 6/2021 mà Việt Nam mà một trong các nước sáng lập, Tiến sĩ Strating nhận định, việc đưa ra các sáng kiến ngoại giao như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia cùng chung chí hướng nhằm đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên UNCLOS 1982 và luật biển quốc tế .

Nhà giàn DK1-21 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Đề cập Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tiến sĩ Strating đánh giá việc đạt được DOC là một thành công đối với các quốc gia Đông Nam Á, vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc ký một thỏa thuận đa phương về vấn đề Biển Đông. DOC đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán đa quốc gia, bao gồm Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trên thực tế, diễn biến ở Biển Đông đã thay đổi đáng kể kể từ khi DOC được ký kết, trong khi đó, tiến độ về đàm phán COC đã chậm lại do dịch Covid-19 và những khác biệt về lập trường của các quốc gia liên quan.

Ông Bryon Wilfert, cựu nghị sĩ Canada, thành viên Hội đồng cố vấn Viện Macdonald-Laurier cho hay, UNCLOS năm 1982 đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập một cách rõ ràng các quy tắc về môi trường, cũng như quản lý tài nguyên biển. UNCLOS năm 1982 được Việt Nam xem là một cơ chế vì hòa bình khu vực và giải quyết các tranh chấp trên biển. Đối với các quốc gia như Việt Nam, Công ước cung cấp ranh giới rõ ràng giữa những nước sử dụng vùng đáy biển và các quốc gia ven biển với các quy định phổ quát.

Theo ông Wilfert, Việt Nam cùng với Canada và 10 nước khác đã khởi xướng ý tưởng thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 để thúc đẩy và giải quyết những thách thức đối với Công ước này. Một khía cạnh quan trọng của Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 là vai trò của nhóm trong quản trị đối với Mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển trong các Mục tiêu phát triển bền vững.

Đề cập tới việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, giới chuyên gia tin tưởng rằng, chỉ thông qua thương lượng và thiện chí mới có thể giải quyết được tranh chấp, việc có một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương sẽ đưa đến giải pháp hòa bình trong khu vực. Các vấn đề như quyền chủ quyền, thương mại, hàng hải... cần được đề xuất và thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Giới chuyên gia quốc tế cùng chung đánh giá, là quốc gia ven Biển Đông và là thành viên UNCLOS, Việt Nam luôn nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước; khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS năm 1982, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đại dương, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO