Biên phòng - Vẹn nguyên giá trị xuyên suốt 4 thập kỷ, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là một bước đi quan trọng để điều hành và duy trì trật tự đối với đại dương của Liên hợp quốc (LHQ). Trước thực trạng đại dương “kêu cứu”, thế giới cần tham vọng lớn hơn nêu cao tầm quan trọng về việc tiếp tục sử dụng UNCLOS là thiết chế thiết yếu để giải quyết những thách thức đối với tương lai của nhân loại.

Thế giới cần tham vọng lớn hơn
Trong một đánh giá mới đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, đại dương là sự sống, là sinh kế và kết nối nhân loại với nhau trong chiều dài lịch sử và các nền văn hóa. Tuy nhiên, đại dương đang ở trong tình trạng kêu cứu với nhiều thách thức hiện hữu.
Phân tích khái quát về những vấn nạn nghiêm trọng trên đại dương, người đứng đầu LHQ chỉ ra rằng, hiện nay, có tới 35% sản lượng cá của thế giới đang bị khai thác quá mức. Cùng với đó, tình trạng nước biển dâng cao khi khủng hoảng biến đổi khí hậu đang tiếp diễn…, trong khi đó, đại dương đang bị a-xít hóa và ô nhiễm. Trên thực tế, các rạn san hô đang bị bào mòn, những trận lụt lội kinh hoàng đang đe dọa các thành phố ven biển trên khắp địa cầu. Đối với con người, nhân công làm việc trong các ngành kinh tế biển không có được các điều kiện làm việc an toàn và mức hỗ trợ cần thiết.
Nêu bật mối đe dọa đối với nhân loại từ những thách thức của đại dương, Tổng Thư ký LHQ khẳng định, việc các nước ký kết UNCLOS chính là một bước đi quan trọng để điều hành và duy trì trật tự đối với đại dương, vốn là nguồn lợi chung to lớn của toàn nhân loại. Trong 4 thập kỷ vẹn nguyên giá trị, UNCLOS đang ngày càng khẳng định vai trò như một bản Hiến pháp của đại dương.
Trong bối cảnh đại dương đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới cần phải đặt ra những tham vọng lớn hơn, nêu cao tầm quan trọng về việc tiếp tục sử dụng UNCLOS là thiết chế thiết yếu để giải quyết những thách thức hiện nay. Ông Antonio Guterres chỉ rõ, các bên cần nhanh chóng thông qua thỏa thuận giảm trợ cấp đánh bắt cá, đồng thời, đảm bảo rằng, mọi chính sách đối với đại dương cần được khởi nguồn từ nền tảng khoa học tốt nhất cùng với kiến thức kinh tế, xã hội vượt trội.
Ủng hộ quan điểm của người đứng đầu LHQ, nhiều chuyên gia quốc tế về đại dương cùng khẳng định, UNCLOS đang ngày càng trở nên quan trọng và phù hợp hơn bao giờ hết. Một trong số các điều khoản quan trọng của Công ước là bảo tồn nghề cá của thế giới, bảo vệ biển, quyền đối với các nguồn tài nguyên trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển quốc gia. Tầm quan trọng đó ngày càng tăng, quản lý bền vững và công bằng các hoạt động liên quan đến khoáng sản trong vùng biển quốc tế.
Nhiều học giả quốc tế cũng chỉ ra rằng, đã đến lúc phải chấm dứt sự phân đôi sai lầm giữa lợi nhuận và bảo vệ đại dương. Bởi, nếu thế hệ ngày nay không bảo vệ giá trị của biển thì thế hệ tương lai không còn ai kiếm được lợi nhuận từ biển. Vì vậy, các chính phủ cần xây dựng luật và chính sách nêu cao việc bảo vệ và bảo tồn biển lên hàng đầu, trong khi các ngành công nghiệp hàng hải và các nhà đầu tư nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc bảo tồn, bảo vệ và khả năng phục hồi khí hậu, cùng với sự an toàn của người lao động trong các ngành kinh tế biển.
Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 Csaba Korosi, trên thực tế, UNCLOS vẫn là một câu chuyện thành công thực sự của LHQ. Văn kiện đồ sộ và bao trùm này là một ví dụ tuyệt vời về những gì có thể đạt được khi chủ nghĩa đa phương được thực hiện đúng, phản ánh sức mạnh của quản trị toàn cầu. Trong tương lai gần, thế giới cần phát huy UNCLOS như một động lực góp phần đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học, đổi mới và chia sẻ, liên quan đến công nghệ xanh và sử dụng tài nguyên biển một cách sáng tạo.
Nghĩa vụ của mọi quốc gia
Theo Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ nhiệm kỳ 2023-2027, UNCLOS là công ước lớn nhất, ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nên Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 hay Quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
UNCLOS dành riêng Chương XII về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, trong đó quy định các quốc gia thi hành các biện pháp phù hợp dù riêng rẽ hay phối hợp với nhau để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển. UNCLOS cũng là văn kiện quốc tế đưa ra được định nghĩa ô nhiễm môi trường biển và chỉ rõ 6 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là từ đất liền, xuất phát từ các dòng sông, ngòi, cửa sông, ống dẫn và các thiết bị thải đổ công nghiệp.
Đề cập đến vấn đề bảo vệ bền vững tài nguyên sinh vật biển, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho rằng, các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế có quyền và quyền chủ quyền về khai thác, sử dụng và quản lý. Theo quy định của UNCLOS, các quốc gia có thể xác định tổng khối lượng có thể đánh bắt và khả năng có thể khai thác của mình. Lượng dư về sinh vật có thể tái sinh cho các quốc gia khác đánh bắt thông qua các điều ước hoặc các thỏa thuận. Đồng thời, UNCLOS cũng chỉ rõ các quốc gia cần hợp tác với nhau về quản lý tàu cá và các đàn cá di chuyển giữa các vùng biển. Quy định này giúp nguồn lợi sinh vật từ biển được khai thác một cách tối ưu. Tuy nhiên, UNCLOS cũng nêu rõ các biện pháp để tránh khai thác tận diệt tài nguyên biển bằng thuốc nổ, hóa chất, lưới vét, lưới cào hay đánh bắt vào mùa sinh sản của sinh vật biển.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cũng chỉ ra rằng, UNCLOS giống như Hiến chương xanh của nhân loại. Tuy nhiên, công ước chỉ đưa ra những nguyên tắc, còn việc tuân thủ công ước phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của các quốc gia, đặc biệt là giữa các quốc gia mà nền kinh tế và cơ sở hạ tầng không đồng đều gây ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, hướng tới phát triển bền vững.
Biển và đại dương có tầm quan trọng to lớn đối với sự tồn vong của nhân loại. Vì vậy, bất kể quốc gia có cảng hay không có cảng, có biển hay không có biển cũng đều phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, quy định về giữ gìn và bảo vệ môi trường biển bao trùm ở tất cả vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và vùng biển quốc tế.
Thanh Trúc