Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

UBND TP Hồ Chí Minh: Triển khai giải pháp phòng, chống khai thác cát trái phép

Biên phòng - Chiều 21-6, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp thực hiện Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

p0wy1c36gj-15793_f_jx6dpgbu0_anh_1._Quang_canh_Hoi_nghi
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thắng

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố không có mỏ cát san lấp, xây dựng nào được thành phố cấp phép khai thác. Thành phố chỉ chấp thuận đăng ký tận thu cho 5 dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu cát để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố thời gian qua diễn ra khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở khu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng biển Cần Giờ. Số vụ vi phạm và số tiền bị xử phạt đều tăng qua mỗi năm. Thủ đoạn khai thác, vận chuyển cát trái phép của các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Từ đầu năm 2019 đến nay, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 35 vụ với 53 phương tiện có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 700 triệu đồng, tịch thu 3.493m3 cát, 78 máy hút và gần 800m ống hút cát. Trong khi đó, Công an thành phố đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 24 vụ với 22 phương tiện và 38 đối tượng, khởi tố hình sự 2 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, hiện nay quy định tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát phải từ 50m3 trở lên, nên khi bị bắt gặp, các đối tượng sẽ cho phương tiện bỏ chạy rồi xả cát xuống biển, rất khó xử lý. Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng nhiều cách khác nhau để lách luật, thuê phương tiện của các chủ sở hữu khác dưới danh nghĩa chở hàng hoặc thực hiện dự án. Khi bị bắt chủ phương tiện thật sự không thừa nhận lỗi vi phạm nên rất khó xác định lỗi để tịch thu phương tiện. Do đó, ông Lê Minh Dũng kiến nghị đề xuất sửa luật theo hướng bất cứ phương tiện nào khai thác, vận chuyển cát trái phép là xử phạt nặng thì mới răn đe được “cát tặc”.

Theo Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP TP Hồ Chí Minh, hiện nay, công tác phối hợp giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh còn gặp khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng vị trí giáp ranh để chạy trốn khi bị truy bắt. Đồng thời, xung quanh vị trí đóng quân của các đơn vị Biên phòng thường có lực lượng cảnh giới do “cát tặc” cài cắm, khi các cán bộ, chiến sĩ xuất quân thường bị những người này thông báo cho các đối tượng khai thác cát trái phép biết để đối phó. Bên cạnh đó, thời gian cơ động lực lượng từ các đơn vị Biên phòng đến vị trí khai thác ngoài biển cũng khá xa, khi lực lượng ra đến nơi thì các đối tượng đã rời đi mất. Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ thường phải dùng ghe ngư dân hoặc đóng giả ngư dân mới tiếp cận, bắt giữ được.

Một trong những khó khăn trong công tác xử lý của BĐBP, theo Đại tá Tô Danh Út đó là, có một số dự án khi kiểm tra chủ đơn vị san lấp vẫn xuất trình được hóa đơn mua cát nhưng khi truy đến các địa phương thì các giấy tờ trên không đúng, nhưng rất khó để xử lý việc này. Ngoài ra, đa số phương tiện khai thác cát trái phép thường neo đậu ở Vũng Tàu, do đó BĐBP thành phố kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện có gắn máy bơm hút cát, khi rời bến phải có giấy tờ đầy đủ, đúng quy định pháp luật.

Đồng tình với ý kiến của Đại tá Tô Danh Út, đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có sự liên lạc giữa các tỉnh giáp ranh và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời cần khảo sát cụ thể số phương tiện hoạt động trên sông, trên biển để dễ dàng quản lý, có biện pháp nghiệp vụ để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép đạt hiệu quả cao.

83jv4t2sgz-15793_f_jx6dpgc41_anh_2._Chu_tich_ket_luan
 Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Thắng

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, phải nhanh chóng thực hiện Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh trong đó Công an thành phố và BĐBP thành phố là hai lực lượng chủ lực.

Đồng thời, cần tổ chức ngay hội nghị giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh để có ký kết liên tịch về quy chế phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị, các lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý đối với các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Rà soát, củng cố hồ sơ để xử lý hình sự nhằm răn đe các đối tượng khai thác cát trái phép. Đối với việc điều chỉnh xử phạt, vấn đề nào trong thẩm quyền của thành phố thì sẽ xử lý ngay, vấn đề thuộc cấp cao hơn quản lý, thành phố sẽ kiến nghị đề xuất lên Trung ương.

Nguyễn Đức Thắng

Bình luận

ZALO