Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 03/06/2023 07:50 GMT+7

U22 Việt Nam khởi đầu SEA Games 32 với nhiều nỗi lo

Biên phòng - U22 Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giành 3 điểm trong trận đấu ra quân tại SEA Games 32, thế nhưng màn trình diễn của thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier khó có thể nói là đã làm hài lòng các cổ động viên. Những dấu ấn chiến thuật của “Phù thủy trắng” tương đối mờ nhạt, dẫn đến một lối chơi thiếu đường nét và phụ thuộc khá nhiều vào màn trình diễn của các cá nhân.

U22 Việt Nam khởi đầu SEA Games 32 bằng chiến thắng vất vả trước U22 Lào. Ảnh: Goal

Tính toán của Troussier

Lịch thi đấu dày đặc của môn bóng đá nam SEA Games 32 buộc mọi huấn luyện viên phải có những tính toán để giữ sức cho các cầu thủ. Đó có thể là lý do dẫn đến việc ông Troussier đã không dùng lực lượng tối ưu cho U22 Việt Nam trong trận đấu đầu tiên trên đất Campuchia. Tuy nhiên, quyết định này là một con dao hai lưỡi, bởi nếu không có được kết quả tốt trong trận đấu ra quân, tâm lý của các cầu thủ trẻ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thời tiết nắng nóng ở Campuchia đã ảnh hưởng khá nhiều đến thể lực các cầu thủ U22 Việt Nam. Ngay trong trận đấu với U22 Lào, dấu hiệu suy giảm thể lực đã xuất hiện ở những phút cuối khiến khung thành của Quan Văn Chuẩn liên tục bị đe dọa trước áp lực từ đối thủ. Sau trận đấu, một số học trò của ông Troussier đã bị căng cơ, chuột rút và có biểu hiện quá tải. Chiến lược gia người Pháp đã hủy buổi tập buổi sáng sau ngày thi đấu và cho các cầu thủ thả lỏng bằng các bài tập nhẹ nhàng.

U22 Việt Nam đã có được khởi đầu thuận lợi trước U22 Lào với bàn mở tỷ số sớm của Nguyễn Văn Tùng. Tình huống lập công của Văn Tùng đã lý giải vì sao anh được xem là lựa chọn tốt nhất trên hàng công của U22 Việt Nam ở giải đấu lần này. Văn Tùng có thể hình rất lý tưởng và khả năng chọn vị trí xuất sắc của một trung phong cắm. Anh có khả năng mang đến những khoảnh khắc mang tính quyết định giống như Nhâm Mạnh Dũng ở kỳ SEA Games trước. Cú đánh đầu vào lưới U22 Lào cho thấy Văn Tùng đang có một cảm giác thi đấu tốt, đủ tự tin để trở thành cây săn bàn chủ lực của U22 Việt Nam.

Nhưng điểm sáng từ Văn Tùng chỉ mang tính tình huống chứ không phải là kết quả của sự dàn xếp tỉ mỉ, chính xác từ một lối chơi bài bản. Ông Troussier đã nhiều lần nói về mong muốn xây dựng U22 Việt Nam thành một tập thể biết cách kiểm soát bóng, xây dựng lối chơi tuần tự từ phần sân nhà bằng những đường chuyền ngắn và khả năng di chuyển, chạy chỗ của các cầu thủ. Điều này đã không được thể hiện trước U22 Lào.

Để duy trì khả năng kiểm soát bóng và sự chủ động về thế trận, điều bắt buộc là khả năng liên kết giữa các tuyến phải tốt. Trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn, đoàn quân của ông Troussier đã gặp nhiều bối rối trong việc kết nối giữa các vị trí. Hàng hậu vệ và tiền vệ thiếu sự cơ động để tạo thành một guồng máy ổn định, đưa quả bóng lên trên một cách trơn tru. Khá nhiều tình huống lên bóng của U22 Việt Nam bế tắc ngay từ khâu ý tưởng. Đội bóng của Troussier vẫn đang thiếu một “đạo diễn” chơi lùi sâu, người có thể nhận bóng gần vòng cấm và phân phối đến các vị trí. Vì không có một nhân vật như vậy, các hậu vệ phải thực hiện khá nhiều đường chuyền dài lên phía trên, đẩy các cầu thủ tấn công vào thế phải tranh chấp 50-50 với đối thủ giàu thể lực hơn.

Các tiền vệ trung tâm của U22 Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chiến thuật trong trận đấu với U22 Lào. Đó là nguyên nhân dẫn đến một lối chơi tương đối manh mún, thiếu đi bài bản sắc nét. Việc ông Troussier sử dụng Đức Phú và Thái Sơn cho vị trí tiền vệ trung tâm ở trận ra quân là một bất ngờ nhưng không đem đến hiệu quả như ý. Nhà cầm quân người Pháp chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh ở các trận đấu sau, đặc biệt là khi các đối thủ sau U22 Lào đều được đánh giá cao. Sự góp mặt của những tiền vệ giàu kinh nghiệm hơn như Huỳnh Công Đến, Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang là cần thiết để lối chơi chung của U22 Việt Nam trở nên mượt mà hơn.

U22 Việt Nam còn có thể tiến bộ

Rất nhiều cổ động viên Việt Nam đã lo lắng về màn trình diễn của thầy trò ông Troussier, đặc biệt là khi U22 Lào vùng lên trong hiệp 2 để tìm kiếm bàn thắng. Công bằng mà nói, U22 Lào đã có một trận đấu rất tốt. Họ thể hiện được những mảng miếng cụ thể trong lối chơi cùng với tinh thần thi đấu rất ấn tượng. Đại diện xứ sở Triệu Voi đã thực sự gây ra nhiều khó khăn cho U22 Việt Nam và ở nhiều thời điểm, thủ môn Quan Văn Chuẩn đã phải đối mặt với nguy cơ vào lưới nhặt bóng.

May mắn vẫn đứng cạnh U22 Việt Nam khi đoàn quân của Troussier mới là những người có được tình huống định đoạt trận đấu. Bàn thắng của Quốc Việt từ đường kiến tạo của Khuất Văn Khang đã giúp cho hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam thở phào nhẹ nhõm. “Vạn sự khởi đầu nan”, ít nhất thì thầy trò ông Troussier cũng đã có 3 điểm trọn vẹn đầu tiên trước đội bóng bị đánh giá thấp nhất bảng.

Hành trình bảo vệ tấm Huy chương Vàng SEA Games vẫn còn rất dài với U22 Việt Nam. Những thử thách trước mắt hứa hẹn sẽ còn vất vả hơn nhiều. Điều quan trọng là các cầu thủ phải có được tinh thần tốt cùng sự tình toán điểm rơi phong độ chính xác của Ban huấn luyện. Về mặt chiến thuật, ông Troussier và các cộng sự chắc chắn đã rút ra được những kinh nghiệm quý giá sau trận ra quân với U22 Lào để có được những điều chỉnh.

“Phù thủy trắng” đã luôn theo đuổi lối chơi kiểm soát bóng trong hầu hết sự nghiệp của mình và không có lý do gì để ông phải thay đổi chỉ sau trận ra quân SEA Games 32. Vấn đề chỉ là những tinh chỉnh về lực lượng cùng vai trò cụ thể của một vài cá nhân trong đội hình để tăng cường khả năng giữ bóng cho U22 Việt Nam, điều mà đội đã không làm tốt trong trận đấu với U22 Lào.

Những thay đổi sẽ được đưa ra, trong đó, hàng tiền vệ nhiều khả năng sẽ là nơi có những biến động lớn nhất. U22 Việt Nam đang có những cầu thủ đủ chất lượng ở tuyến giữa, có thể giữ bóng và điều tiết nhịp độ trận đấu tốt hơn những gì mà Đức Phú, Thái Sơn đã thể hiện ở trận ra quân. Bên cạnh đó, hai cầu thủ chạy biên (ở trận gặp U22 Lào là Hồ Văn Cường và Võ Minh Trọng) cũng sẽ phải chú ý đến vị trí nhiều hơn. Trong trận đấu vừa qua, Văn Cường và Minh Trọng đều lùi rất sâu khi đội bạn tổ chức tấn công.

Điều này giúp U22 Việt Nam duy trì một hàng thủ 5 người an toàn, nhưng khi cướp được bóng để chuyển đổi trạng thái thì các cầu thủ phía trên lại thiếu người phối hợp. Với các cầu thủ đá biên trong sơ đồ 3-4-3, họ luôn phải cân đối giữa nhiệm vụ tấn công và phòng ngự. Sự quan sát và đánh giá tình hình liên tục là rất cần thiết, bởi khả năng di chuyển của những người đá cánh đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra lợi thế về mặt quân số ở những khu vực cụ thể trên sân.

Hoàng Hải

Bình luận

ZALO