Biên phòng - “Anh Khánh khởi nghiệp từ chiếc xuồng nhỏ thả lưới ven Vũng Rô, nhờ chịu khó lao động, sáng tạo, biết phán đoán thời cơ nên hiện nay, số lượng bè nuôi tôm hùm của anh Khánh lớn nhất vùng. Bán tôm lãi lớn, anh đi mua đất. Cùng một lúc, anh mua tới ba miếng đất biệt thự ở khu đô thị mới thành phố Tuy Hòa. Anh Khánh là một ngư dân kiểu mẫu ở tỉnh Phú Yên” - Trung tá Trần Minh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô, BĐBP Phú Yên giới thiệu.
Anh Phạm Văn Khánh, sinh năm 1973, ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, là chủ sở hữu của 500 lồng tôm hùm, có nhiều bất động sản, cho hai đứa con đi du học ở nước ngoài, sắm hai xe ô tô đời mới, đầu tư nhà yến… Tất cả tài sản của anh đều từ tôm hùm mà ra. “Đời tôi lúc thì vay tiền của ngân hàng, lúc bán tôm có nhiều tiền thì cho ngân hàng vay lại. Riêng tài sản nằm trên biển của tôi đạt trên dưới 30 tỷ đồng. Tôi đang chuẩn bị trên 10 tỷ đồng để mua 200.000 con tôm giống thả xuống nuôi gối đầu. Một tháng phải chi ra 2 tỷ đồng tiền mua thức ăn tôm, trả công cho lao động” - anh Khánh ngồi ở bè tôm bấm tay nhẩm tính.
Bài học từ siêu bão
Trời nắng đẹp, ít gió, tôi tranh thủ chụp toàn cảnh bè nuôi tôm hùm, anh Khánh nói to: “Nhà tôi có 5 cái bè lớn nằm giãn ra cả vùng biển rộng, máy anh có chụp hết không?”. Rồi anh sai đứa con trai đến “chỉ điểm” và đếm bè của nhà mình trên từng khung ảnh. Phía dưới nước có mấy người đang lặn vào từng lồng kiểm tra tôm, lấy thức ăn thừa ra ngoài.
“Siêu bão năm 2017 quét qua Vũng Rô làm tôi bị mất gần 10 tỷ đồng. Trời thương, có nhiều lồng tôm bị sóng đánh dính chùm nhau, lưới không bị rách, tôm còn. Vùng tôm ở tỉnh Khánh Hòa lớn nhất cả nước gần như bị xóa sổ, gần Tết năm 2018, giá tôm cao ngất ngưởng, tôi bán được 20 tỷ đồng. Từ đợt bão đó, tôi đã rút được bài học kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, luôn có phương án phòng chống bão từ sớm” - anh Khánh nhớ lại nguy hiểm và thời cơ đan xen.
Hiện nay, anh Khánh làm khung lồng bằng sắt để chịu lực tốt, phía ngoài bọc 2 lớp lưới, buộc dây 4 góc lồng thả xuống độ sâu 7-10m. Cách làm này đảm bảo độ sâu lý tưởng, vào mùa hè, nắng nóng vẫn giữ được nhiệt độ thấp, tôm phát triển tốt. Mùa mưa bão, không bị sóng biển đánh thẳng trực tiếp vào lồng, độ an toàn rất cao. Tầng dưới gần đáy biển nuôi tôm thịt, phía trên mặt làm lồng lưới dày ươm nuôi tôm hùm giống, độ sâu chỉ 2-3m.

Môi trường nước biển ở Vũng Rô đã có “thâm niên” nuôi tôm hùm trên dưới 20 năm, phần nào bị ảnh hưởng từ chính chất thả nuôi tôm, dẫn đến tôm chậm lớn và dễ bị chết, người nuôi tôm ít có lãi cao như trước năm 2015. Anh Khánh có cách đi riêng: “Đặc tính tôm hùm nó ưa thích nhiệu độ thấp, qua kinh nghiệm nuôi, tôm nuôi vào mùa đông và mùa xuân phát triển tốt, ít chết. Bước vào tháng 9 hàng năm, tôi phải chuẩn bị nguồn tiền từ 15 - 20 tỷ đồng, đặt hàng nguồn tôm giống từ Philippines, Indonesia. Đến tháng 10 - 12 âm lịch, có tôm giống là mua thả ngay, làm cách này con tôm nó “chịu” được một mùa đông, phát triển nhanh, qua đầu mùa mưa bão năm sau (Nam Trung Bộ là tháng 10, 11 dương lịch), tôi bắt đầu lựa chọn tôm thịt bán thu hồi vốn, để lại khoảng 10 tấn chăm nuôi tốt, bán cho dân Trung Quốc ăn Tết Nguyên đán như Việt Nam, lãi lớn thường nằm ở giai đoạn này”.
Làm nhiều đến kiệt sức ở trên biển
Tiềm lực và kinh nghiệm nuôi tôm của anh Khánh được xếp vào hạng “tỷ phú tôm”, dân biển hay dùng từ “đại gia”. Ở đời không có cái gì từ trên trời rơi xuống cho mình hưởng cả, anh Khánh có được cơ nghiệp như ngày hôm nay, là do ý chí và nghị lực phi thường. Khánh là người vùng khác đến Vũng Rô đi làm nghề biển, lấy vợ người Vũng Rô. Hai vợ chồng khởi nghiệp trên chiếc thuyền nan nhỏ, cũng chỉ kiếm gạo qua ngày, tích cóp, dành dụm ít vốn nuôi tôm hùm và phất lên đến bây giờ”.
Anh Khánh được mệnh danh là “con trâu cày” thật sự, làm nhiều đến nỗi bị kiệt sức, ngất xỉu trên chiếc thuyền nan, bạn báo cho vợ biết và nhờ hàng xóm chạy thuyền ra đưa vào bờ. Ông Hầu Mừng, bố vợ của anh Khánh kể: “Thấy con cứ làm quần quật suốt ngày ngoài bè tôm, không đi giao lưu kết bạn với ai, tôi nói nhỏ với mấy đứa bạn của nó, đến nhà rủ cho Khánh đi chơi, để mở mang đầu óc, ngao du với bạn bè”.

Lúc đầu, vợ chồng anh Khánh làm nhỏ, cũng chỉ 10 lồng tôm, bán tôm có lãi, anh mở rộng thêm bè, thêm lồng, số vốn lên hàng tỷ đồng. Anh tâm sự: “Từ năm 2014, tôi bán tôm lãi 7 tỷ đồng, chọn mua đất ở mặt đường lớn đường Hùng Vương. Lúc đó, tôi mua chỉ có giá 30 triệu đồng/m ngang (chiều dài không tính), đến bây giờ, đất đó đã lên 500 triệu đồng/m ngang. Riêng lô đất này hơn cả mấy trăm lồng tôm rồi đó”.
- Anh mua đi bán lại những lô đất đã ăn đủ, cần gì nuôi tôm cho cực? - tôi hỏi.
- Tôi chỉ có mua thêm đất, chưa bán lô nào. Đất là “phòng thủ” cho tôm. Hàng năm phải chi trả tiền học phí, ăn ở cho hai đứa con đang du học bên Australia. Đứa lớn mới ra trường muốn mở cửa hàng kinh doanh tại thành phố Sydney, tôi đã gửi 3 tỷ sang cho cháu.
Hiện nay, tài “ngoại giao” của anh Khánh trở nên điêu luyện, anh kể chuyện đi đấu giá đất của ngư dân: “Những năm trước đây, mấy tay kinh doanh bất động sản ở Tuy Hòa hay coi thường mình là ngư dân ở Vũng Rô, mà đúng như vậy. Có mấy lần đấu giá đất bị thua, vì họ bỏ giá cao hơn mình chỉ mấy chục ngàn trên một lô đất. Đến khi đấu giá mấy lô biệt thự ở khu đô thị phía Nam thành phố Tuy Hòa, tôi đã đánh bật hết, trúng giá 3 lô ở ngã tư. Từ đó, mấy ông hết coi thường dân nuôi tôm Vũng Rô nữa”.
Hải Luận