Biên phòng - Đó là thông tin được Bộ Y tế đưa ra trong Hội nghị Sơ kết 3 năm (2016-2018) và kế hoạch 2 năm (2019-2020) của Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 diễn ra sáng 11-4, tại Hà Nội.

Sau 3 năm (2016-2018), Chương trình mục tiêu y tế - dân số và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Ngành Y tế Việt Nam không chỉ kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng động ở dưới mức 0,3% mà còn giảm số người nhiễm mới, tiếp tục mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc tại cộng đồng....
Đồng thời, nước ta có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra; tiếp tục giảm số mắc, số chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm; bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hơn 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% năm 2010 xuống 15,3% năm 2013 và giảm xuống còn 13% năm 2018. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống 25,9% năm 2013 và 23,3% năm 2018.
Chú trọng phòng chống các bệnh không lây nhiễm, y tế học đường; hoàn thiện hướng dẫn và triển khai thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Tuổi thọ người dân được nâng cao. Ngành y tế nước ta đã sản xuất thành công vắc xin sởi, vắc xin phối hợp Sởi-Rubella đạt tiêu chuẩn GMP, là quốc gia thứ 11 loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển. Cụ thể, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật. Đặc biệt, là các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này chiếm gần 80% số ca tử vong hàng năm. Song tỷ lệ quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp.
Ngoài ra, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nhức nhối, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học khó kiểm soát, các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm còn phổ biến.
Tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở một số khu vực miền núi cao gấp 3-4 lần so với đồng bằng, đô thị và gấp 2 lần so với mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc trước và trong sinh bảo đảm chất lượng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng khó khăn vẫn còn hạn chế.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu y tế-dân số một cách thiết thực nhất, bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phát động toàn ngành thực hiện phong trào “Thể dục giữa giờ tại công sở, nơi làm việc” với bài tập kéo dài 3 phút có xuất xứ từ Nhật Bản. Tới đây, Bộ Y tế sẽ kêu gọi các bộ ngành, lĩnh vực công tác khác cùng tập thể dục để nâng cao sức khoẻ.
Thùy Trang