Biên phòng - Sau gần 100 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, ngày 25-7, chúng ta đã xác nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng (bệnh nhân số 416) và tính đến 18 giờ, ngày 27-7, đã có thêm 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 có liên quan tới Bệnh viện Đà Nẵng.
Đáng chú ý là đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0). Các chuyên gia y tế cho biết, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước. Điều này cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn khó lường của dịch bệnh nguy hiểm này.
Phải khẳng định rằng, suốt hơn 3 tháng qua, Việt Nam là điểm sáng trên thế giới nhờ kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh, dù chúng ta vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh và chùm ca bệnh, nhưng tất cả đều là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly và xử lý ngay khi nhập cảnh.
Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể mang lại sự yên tâm, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam rất cao do tình trạng người vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng gần đây.
Là lực lượng trên tuyến đầu, BĐBP hiện đang duy trì 1.598 tổ, chốt trên các tuyến biên giới với 9.398 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng chức năng tham gia. Tính đến ngày 24-7, BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 4.360 người xuất nhập cảnh trái phép, sau đó đưa đi cách ly theo quy định. Cùng với đó, lực lượng BĐBP làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu đã bàn giao cách ly qua cửa khẩu là 31.280 người...
Thế nhưng, những nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sẽ trở nên vô nghĩa khi ý thức phòng chống dịch bệnh của không ít người đang rất chủ quan, lơ là. Thậm chí, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng buông lơi, chưa thực hiện đầy đủ các khuyến cáo, quy định về phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.
Trước khi phát hiện ca bệnh 416, nhiều chuyên gia y tế đã quan ngại, báo động về ý thức đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tụ tập đông người đang ngày càng bị buông lỏng, xem thường khi dịch Covid-19 đang vào giai đoạn cao điểm trên toàn cầu.
Từ 0 giờ, ngày 28-7, toàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việt Nam đã bước vào cuộc chiến mới chống dịch Covid-19 với quyết tâm bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Cùng với ngành y tế và hệ thống phòng chống dịch nâng cao tinh thần sẵn sàng ứng phó, thực hiện giám sát chặt chẽ, lực lượng BĐBP đã thi hành ngay các giải pháp quyết liệt chống dịch trong tình hình mới như: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, biên giới; tiếp tục siết chặt các đường mòn, lối mở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân biên giới về phòng, chống dịch, không tiếp tay, giúp đỡ các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm khắc những trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, trốn cách ly; triệt phá các đường dây, đối tượng môi giới đưa người xuất nhập cảnh trái phép; quyết tâm ngăn chặn tối đa các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới...
Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, hơn lúc nào hết, mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức phòng ngừa dịch bệnh, nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của cơ quan y tế về đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc... nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần kiên quyết làm rõ và xử lý nghiêm minh bất kỳ cá nhân, địa phương, đơn vị nào lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch.
Thanh Thảo