Biên phòng - Sau khi bàn bạc, Đồn BP A Pa Chải, BĐBP Điện Biên (Việt Nam) và Đại đội Công an Biên phòng huyện Giang Thành, TP Phổ Nhĩ, Vân Nam (Trung Quốc) thống nhất tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật song phương vào đúng ngày chợ phiên cuối tháng 9 tại lối mở A Pa Chải - Long Phú. Tham gia vào buổi tuyên truyền lần này còn có lực lượng Kiểm lâm và Phòng Văn hóa huyện Mường Nhé.
Phổ biến pháp luật trên đường biên
Đúng ngày đã định, các thành viên Tổ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Đồn BP A Pa Chải có mặt tại khu vực lối mở A Pa Chải từ sáng sớm làm công tác chuẩn bị. Các pa nô, áp phích có nội dung tuyên truyền pháp luật bắt mắt được dựng ngay ngắn trên đường biên giới hai nước. Người dân hai bên biên giới đi chợ qua đây có thể đứng xem dễ dàng. Khi lượng người đổ về chợ biên giới mỗi lúc một đông, buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành trong tiếng loa phát thanh rộn rã.
Trung tá Phạm Hồng Giang, Đồn trưởng Đồn BP A Pa Chải cho biết, từ năm 2014, đơn vị đã bàn bạc và thống nhất phối hợp với Đại đội Công an Biên phòng huyện Giang Thành, TP Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật song phương tại lối mở A Pa Chải - Long Phú. Từ đó đến nay, hoạt động này được 2 đơn vị tổ chức định kỳ một năm 2 lần. Hai bên cùng tuyên truyền về 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và những văn bản pháp luật mới ban hành, quy chế khu vực biên giới cho nhân dân.
Theo quan sát của chúng tôi, các tấm pa nô của Đồn BP A Pa Chải có nội dung rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc nhằm cảnh báo người dân về tác hại của ma túy, nạn buôn bán tiền giả, mua bán người và giới thiệu các hành vi bị cấm trên biên giới như vượt biên trái phép, xâm hại cột mốc. Các tấm pa nô của lực lượng Kiểm lâm có nội dung vận động bảo vệ và phát triển rừng, không săn bắn, khai thác động, thực vật hoang dã... Những hình ảnh trên các tấm pa nô giúp bà con dễ dàng nhận thức được đâu là hành vi bị cấm khi đi rừng hay qua lại biên giới, đâu là việc làm được khuyến khích.
Một tổ công tác đứng ngay tại lối mở phát các tờ rơi có nội dung tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Nghị định 34 của Chính phủ, các quy định về cấm săn bắt, giết mổ, buôn bán động vật hoang dã; các loại hàng hóa cấm nhập, xuất khẩu... Bên cạnh đó, còn có một đội tuyên truyền lưu động gồm các thành viên của Đồn BP A Pa Chải và lực lượng chức năng của bạn đi tuyên truyền song phương bằng hai thứ tiếng Trung và Việt, tập trung giải thích cho các chủ cửa hàng kinh doanh trên chợ biên giới hiểu rõ hơn về quy chế biên giới, hàng giả, cách nhận biết tiền thật và tiền giả...
Khi được Đại úy Trần Bá Liêm, Trạm trưởng Trạm KSBP A Pa Chải trực tiếp giới thiệu 7 dấu hiệu nhận biết tiền thật, tiền giả, nhóm tiểu thương người Việt tỏ ra rất hứng khởi. Họ chăm chú nghe và nhìn vào các dấu hiệu nhận biết trên tờ tiền theo hướng dẫn của Đại úy Liêm. Chị Vũ Thị Mai, một chủ cửa hàng chia sẻ: "Ở đây khách đông nhất là vào ngày chợ phiên và những ngày lễ, Tết của cả hai nước. Khách Trung Quốc rất thích sang mua hàng của Việt Nam. Những kiến thức mà BĐBP phổ biến giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về quy chế khu vực biên giới, các loại hàng hóa được phép mua bán cũng như nhận biết được đâu là tiền thật, tiền giả, tránh thiệt hại cho bản thân".
A Pa Chải là ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình phía tiếp giáp với Lào không thuận lợi, nên Đồn BP A Pa Chải mới chỉ phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật song phương với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Trung Quốc. Trò chuyện với chúng tôi, anh Liêm cho biết: "Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật song phương đã giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân hai bên biên giới. Không chỉ vậy, qua hoạt động này, bà con còn thấy được sự phối hợp công tác giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, từ đó có ý thức hơn trong việc giữ gìn khu vực biên giới hòa bình, ổn định để phát triển sản xuất, kinh doanh".

Tăng cường đưa "luật" vào nhà dân
Theo Trung tá Phạm Hồng Giang, triển khai Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013-2016", những năm qua, Đồn BP A Pa Chải đã vận dụng linh hoạt các biện pháp tuyên truyền để pháp luật đến được với bà con các dân tộc. Trên cơ sở các trung tâm tư vấn pháp luật đã có tại xã Sín Thầu, đơn vị còn tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và thành lập 1 câu lạc bộ tư vấn pháp luật, 7 tổ hòa giải tại các bản, 1 tổ tư vấn tại chỗ. Bên cạnh đó, Đồn BP A Pa Chải và xã Sín Thầu đã tập trung xây dựng và duy trì hoạt động của tủ sách, ngăn sách pháp luật.
Từ khi triển khai Đề án, Đồn A Pa Chải đã tiếp nhận 65 bộ sách tài liệu đề án, tự biên soạn 6 chuyên đề tuyên truyền, trong đó có 3 nội dung tuyên truyền được in thành băng đĩa. Ngoài ra, trong năm 2015, đơn vị nhận được 124 đĩa VCD, hàng chục đầu sách về luật của Nhà nước ta mới ban hành. Đơn vị cũng đã chuyển, cấp phát hơn 1.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận tay cán bộ và nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới.
Căn cứ vào tình hình thực tế, cụ thể của từng thôn, bản, các tổ tuyên truyền lựa chọn thời điểm và nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với trình độ của đồng bào. Ngoài hình thức tuyên truyền miệng truyền thống, Đồn BP A Pa Chải còn phối hợp với địa phương và các phòng chức năng của huyện Mường Nhé tổ chức giao lưu và biểu diễn văn nghệ, trong đó có lồng ghép sân khấu hóa các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật.
Theo đánh giá của Đồn BP A Pa Chải, kết quả tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2013-2016" đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân. Ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã ngày một tốt hơn. Số vụ việc vi phạm pháp luật năm sau giảm so với năm trước. Trên địa bàn đồn phụ trách không còn tình trạng dân di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép, không còn chặt đốt phá rừng làm nương rẫy bừa bãi. Qua công tác tuyên truyền pháp luật, nhân dân đã tự giác giao nộp 16 khẩu súng tự chế, thành lập được 7 tổ tự quản về an ninh trật tự thôn bản. Việc thực hiện Đề án cũng giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Xuân Hương