Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 11:05 GMT+7

Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hiện có 15/17 xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 98,61% dân số, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh... Qua thống kê, năm 2021, huyện Bảo Lạc có 110 cặp tảo hôn/572 cặp kết hôn, chiếm 19,23% (cao nhất trong tỉnh Cao Bằng) tại 14 xã.

Một buổi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn do UBND huyện Bảo Lạc tổ chức tại các xã. Ảnh: Nông Quốc Khôi

Tình trạng tảo hôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong đồng bào Dao, Mông, Nùng, Sán Chỉ. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế, tập quán lạc hậu còn tồn tại và ăn sâu, bám rễ lâu đời trong tiềm thức người dân, chi phối đời sống, sinh hoạt của đồng bào DTTS.

Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền xã chưa được quan tâm đúng mức, chưa toàn diện đối với lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, thường xuyên; sự can thiệp từ phía chính quyền xã đối với trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh và thiếu kiên quyết. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa thực sự sâu rộng, thường xuyên, kịp thời; công tác tuyên truyền về hệ lụy tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc, công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định tới thành công việc giảm thiểu tảo hôn trong vùng DTTS trên địa bàn huyện. Năm 2022, huyện tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền tại các xã cho 650 lượt người tham dự. Qua công tác tuyên truyền đã làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại các xã, đặc biệt là các xã có tỷ lệ tảo hôn cao. Nhờ đó, trong năm 2022, cả huyện Bảo Lạc phát hiện 86 cặp tảo hôn, giảm hơn 22% so với năm 2021.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO