Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 04:12 GMT+7

Tuyến đường nguy hiểm ở Trà Leng

Biên phòng - Tuyến đường từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam là một cung đường hết sức hiểm trở. Lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở núi vẫn không ngại nguy hiểm, xe vẫn ra vào dưới cung đường có hàng chục điểm sạt lở, đá lăn.

Bão số 10 đang tiến vào biển Đông với cấp siêu bão, tốc độ gió 220 km/h. Tại vùng núi thuộc xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích đang diễn ra rất khẩn trương.

Tại hiện trường sạt lở rộng khoảng 4.000m2, các lực lượng tìm kiếm đã san hết bùn đất, lật tung các mảng bê tông, nhưng đến cuối ngày 31-10 thì dấu vết của 14 nạn nhân mất tích vẫn không tìm thấy. Đến sáng 1-11, chó nghiệp vụ BĐBP và lực lượng tìm kiếm bắt đầu triển khai theo hướng mới, lực lượng chức năng điều động 20 chiếc thuyền để triển khai công tác tìm kiếm quanh khu vực lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2.

Cung đường vào xã Trà Leng đi quanh co trên những sườn núi dốc. Tôi từng phỏng vấn những nhân chứng vụ sạt lở tại Trạm kiểm lâm 67 trên đường vào Thủy điện Sông Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế, vì vậy có thể so sánh vài điểm nguy hiểm giống nhau giữa 2 cung đường. Đó là những điểm sạt lở là sườn núi dốc, có khe nước chảy, đất sét màu đỏ rất nguy hiểm. Từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào điểm sạt lở ở Trà Leng, xe ô tô phải đi qua hàng chục điểm sạt lở như vậy.

Điểm sạt lở nguy hiểm nhất nằm cách xã Trà Leng khoảng 5km. Từ sườn núi, từng mảng đất lớn tụt xuống mặt đường, sau đó trôi ra lòng hồ. Kèm theo đó là đất đá và cây cối trộn lẫn vào đất sét, tạo ra một mớ bùn đất lầy lội, đầy nguy hiểm.

Xe bán tải hỗ trợ chở chó nghiệp vụ đang chạy nhanh qua đoạn núi lở vào xã Trà Leng. Ảnh: Văn Chương

Cung đường ven suối Suối Núp Branh chảy qua sát thôn 1, xã Trà Leng, sau ngày bị sạt lở, có nhiều tảng đá nặng 3-5 tấn lăn xuống mặt đường, nhiều cây chò có đường kính 3 người ôm đang nằm chênh vênh bên mép núi bị sạt lở. Một số cây đã ngã và trộn lẫn vào bùn đất. Đi trên cung đường này, mọi người được nhắc nhở “hãy luôn nhìn về phía núi”.

Cách điểm sạt lở khoảng gần 1km là suối Vả. Dòng suối này luôn đục ngầu bùn đất. Anh Nguyễn Văn Bảy, một người dân địa phương có kinh nghiệm đi rừng và nhiều lần đối mặt với sạt lở, và là người trực tiếp cứu các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Trà Leng vào chiều ngày 28-10 cho biết: “Đi rừng, gặp suối đục màu đất là nguy hiểm lắm, phải tránh ra đề phòng sạt lở núi”.

Đoạn sạt lở núi ở suối Vả, cách Trà Leng khoảng 1km, nơi đoàn chó nghiệp vụ hàng ngày đi qua. Ảnh: Văn Chương
Đoàn tìm kiếm rút khỏi hiện trường trong đêm và lội nhanh qua điểm sạt lở trên trên núi đổ xuống suối Núp Branh. Ảnh: Văn Chương

Trước những khó khăn như vậy, các lực lượng tìm kiếm vẫn khẩn trương công việc tìm kiếm. Cụm chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng tại Quảng Trị, cùng lực lượng công binh, Công an vẫn liên tục hành quân dưới cung đường đầy nguy hiểm.

Trung tá Trần Tiến Sĩ, Chỉ huy đội chó nghiệp vụ tìm kiếm 22 quân nhân bị sạt lở núi ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong 2 đợt tìm kiếm, đoàn công tác đều phải đi dưới những cung đường sạt lở rất nguy hiểm, tuy nhiên nhiệm vụ của người lính là phải cứu dân, vì vậy anh em đều khắc phục mọi khó khăn để lên đường, chia sẻ với chính quyền và nhân dân vùng thiên tai”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO