Biên phòng - Những năm qua, người cao tuổi ở Móng Cái (Quảng Ninh) đã phát huy tốt tinh thần “tuổi cao, gương sáng”, sống vui, sống khỏe, sống có ích. Trong số đó, hàng trăm người cao tuổi vẫn còn dồi dào sức khỏe, trí tuệ, đã và đang tập trung phát triển kinh tế, làm chỗ dựa tinh thần và điểm tựa vững chắc cho con cháu, gia đình và xã hội.
Tới thăm “vựa tôm” của gia đình ông Đoàn Văn Quân, ở khu 9, phường Hải Hòa, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng chục ao nuôi trải dài ngút mắt của gia đình ông. Gia đình ông Quân là một trong nhiều “đại gia” nuôi tôm thành công ở vùng Hải Hòa với thâm niên gần 20 năm kinh nghiệm. Với ông Quân, nghề nhiều rủi ro như nuôi tôm thì phương châm lãi ít, vừa làm vừa học, cẩn trọng và áp dụng đúng khoa học-kỹ thuật chính là bí quyết để nuôi tôm bền vững và làm giàu từ nghề này.
Ngoài 60 tuổi, ông Quân vẫn còn sung sức với khát vọng làm giàu bằng thế mạnh nuôi hải sản ở nơi địa đầu Móng Cái. Mặc dù mỗi vụ cho thu nhập hàng tỷ đồng, nhưng ông Đoàn Văn Quân nói rất khiêm tốn: “Sau khi nghỉ hưu, gia đình tôi đến Hải Hòa lập nghiệp theo chương trình xây dựng phên giậu biên giới Tổ quốc. Bắt đầu từ năm 2003, gia đình tôi tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nuôi tôm công nghiệp, đến nay đã có 20 ao nuôi tôm. Việc nuôi tôm của gia đình tôi nhằm cải thiện cuộc sống và đóng góp xây dựng quê hương”.
Lập nghiệp với hai bàn tay trắng từ những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình ông bà Đinh Văn Thinh - Nguyễn Thị Nụ, hội viên Hội người cao tuổi phường Hải Yên sớm nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc bằng sinh kế lâu dài sửa chữa ô tô. Từ một xưởng nhỏ, tới nay, gia đình ông bà đã mở Công ty TNHH Huế - Hải Phòng với 3 xưởng lớn cùng nhiều xưởng nhỏ ở Móng Cái, Hải Hà, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, doanh thu hơn 10 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, với tâm niệm “cho cần câu chứ không cho con cá”, gia đình ông bà không chỉ truyền nghề cho các con, giúp các con có kinh tế vững chắc, mà còn dạy nghề miễn phí, đào tạo các thợ giỏi là con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ...
Đều đã ngoài 70 tuổi nhưng tấm lòng thơm thảo của ông bà chính là tấm gương mẫu mực để gia đình, cộng đồng doanh nghiệp noi theo. Bà Nguyễn Thị Nụ tâm sự: “Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình nghèo, đông con, chúng tôi nghĩ nghề này sẽ tạo công ăn việc làm cho con cháu, lại luôn trông thấy con cháu ở nhà lao động. Trong thời đại ngày càng phát triển, nghề sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, xe máy ngày càng mở rộng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người”.
Khác với những doanh nhân trẻ, nhiều người cao tuổi ở Móng Cái lại chọn mảnh vườn, ruộng rau, ao cá để phát triển kinh tế bền vững và rèn luyện sức khỏe phù hợp với tuổi già. “Năng nhặt chặt bị”, “Bàn tay ta làm nên tất cả/ có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, ở vùng đất Móng Cái này, nếu chịu khó, thu nhập một đôi trăm triệu mỗi năm chẳng phải là quá khó - đó là tâm sự rất mộc mạc của ông Bùi Minh Thưởng, Hội Người cao tuổi xã Hải Đông. Tận dụng khu vườn rộng 5.000m2 với đất đai màu mỡ, nhiều năm qua, ông Thưởng đầu tư nuôi cá, trồng rau, cây ăn quả, nuôi gà vịt... mỗi năm, trừ chi phí, gia đình còn lãi cả trăm triệu đồng. Số tiền này, ông Thưởng tích lũy tiết kiệm hoặc phụ giúp con cháu, rồi ủng hộ các công việc cộng đồng và giúp đỡ xóm giềng những lúc khó khăn hoạn nạn... Theo ông, tuổi già tham gia phát triển kinh tế, không trở thành gánh nặng cho con cháu là niềm vui, hạnh phúc giản dị nhưng ấm áp, ý nghĩa.
Đây là 3 trong số nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở thành phố địa đầu Tổ quốc. Lúc tuổi trẻ, họ đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi tuổi cao, nhưng trí càng cao, họ còn sức, thì vẫn còn làm việc nhờ uy tín, trí tuệ và sự mẫu mực. Họ chính là những điển hình tiêu biểu của phong trào Người cao tuổi Móng Cái làm kinh tế giỏi.
Thực hiện phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”, trong số 7.600 hội viên Hội Người cao tuổi thành phố Móng Cái thì có hàng trăm hội viên vẫn tham gia lao động, sản xuất kinh doanh, làm chủ hoặc gián tiếp làm chủ, hướng dẫn cháu con sản xuất, kinh doanh. Qua hơn 10 năm thực hiện phong trào, đến nay, ở thành phố Móng Cái ngày càng có nhiều những tấm gương như vậy.
Ông Vũ Thế Kỳ, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Móng Cái cho biết: “Để phát huy vai trò người cao tuổi trong xã hội thì phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi rất quan trọng. Phong trào không chỉ giúp ích cho bản thân người cao tuổi, mà còn làm cho kinh tế gia đình họ và cộng đồng ngày càng phát triển. Thành phố Móng Cái đã triển khai phong trào đến tất cả các cơ sở và đạt được sự hưởng ứng tích cực. Tới nay, qua đánh giá, thành phố đã có trên 600 người cao tuổi trực tiếp hoặc gián tiếp lao động sản xuất, chỉ đạo con cháu sản xuất, kinh doanh, đạt tiêu chuẩn “người cao tuổi làm kinh tế giỏi” cấp cơ sở; trong số đó có trên 60 người đạt tiêu chuẩn cấp thành phố”.
Chính hiệu quả cả về vật chất lẫn tinh thần của phong trào thi đua của người cao tuổi đã góp phần thiết thực xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, khẳng định sự đóng góp quan trọng của những tấm gương tuổi cao, trí bền nơi vùng đất biên cương Tổ quốc.
Thu Hằng