Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người

Biên phòng - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới của BĐBP, nên thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản được kiềm chế, đẩy lùi. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức còn hạn chế, nhu cầu việc làm cao, nên một bộ phận người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, biên giới của tỉnh Nghệ An vẫn có nguy cơ rơi vào "cạm bẫy" của tội phạm mua bán người.

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An giải cứu, đưa các nạn nhân của tội phạm mua bán người trở về địa phương. Ảnh: Lam Hoàng

Những năm trước đây, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra rất phức tạp, thủ đoạn rất tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nhiều nơi khác nhau. Trong đó, nổi lên như lợi dụng môi giới lao động để lừa gạt nạn nhân, dụ dỗ phụ nữ mang thai ra nước ngoài bán trẻ sơ sinh...

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, những người gặp cảnh đời éo le. Phần lớn nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu được đưa ra các tỉnh biên giới phía Bắc rồi bán sang Trung Quốc làm vợ, làm gái mại dâm. Đối tượng tham gia vào đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng rất nhiều thành phần.

Bên cạnh những tên tội phạm chuyên nghiệp, còn có sự tham gia của chính những người từng là nạn nhân, phụ nữ lấy chồng sinh sống ở Trung Quốc. Có những đối tượng vì lợi nhuận mà lừa bán cả người thân của mình. Không chỉ lén lút tiếp xúc trực tiếp, tội phạm mua bán người còn sử dụng mạng xã hội để làm quen, đánh vào tâm lý cả tin của một số người, rồi hướng dẫn họ ra khỏi địa phương, đến các tỉnh biên giới phía Bắc để lừa bán qua Trung Quốc.

Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân từ địa bàn nội địa đến các xã biên giới. Trên cơ sở tình hình thực tế địa bàn, các đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chú trọng tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người đối với nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em, học sinh... Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền qua loa truyền thanh, lồng ghép với chương trình học tại các nhà trường. Đồng thời, vận động nhân dân tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Qua công tác tuyên truyền của BĐBP và các cơ quan chức năng, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của quần chúng nhân dân khu vực biên giới trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân, các lực lượng công an, BĐBP cũng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cũng phối hợp tốt với các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế giải cứu, tiếp nhận nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Điển hình, tháng 4-2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) bàn giao 3 thai phụ cho gia đình. Các thai phụ này đều là người dân tộc Khơ Mú, quê ở huyện Kỳ Sơn, khi đang trên đường sang Trung Quốc bán bào thai thì bị các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Hiện nay, tỉnh Nghệ An cũng triển khai chính sách hỗ trợ để nạn nhân của tội phạm mua bán người khi trở về địa phương, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, BĐBP Nghệ An tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho học sinh trên địa bàn - Ảnh tư liệu (tháng 10-2020). Ảnh: Phương Linh

Nhờ triển khai quyết liệt những biện pháp trên, nên hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã từng bước được đẩy lùi. Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: "Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An đã phần nào được kiềm chế, đẩy lùi. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do BĐBP đã thành lập thêm nhiều tổ, chốt trên biên giới để kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới, nên tội phạm mua bán người không có cơ hội hoạt động".

Đại tá Dương Hồng Hải cho biết thêm, tuy tội phạm mua bán người ở địa bàn tỉnh Nghệ An đã được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn, gia tăng trở lại. Đáng lo ngại nhất vẫn là trình độ nhận thức, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, chủ yếu là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương còn hạn chế.

Cùng với đó, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu công ăn việc làm nên người dân dễ bị tội phạm mua bán người lôi kéo, lừa gạt. Chính vì vậy, cùng với những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn của cơ quan chức năng, việc tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân là biện pháp căn cơ để giúp họ chủ động tránh xa được những cạm bẫy của tội phạm mua bán người.

Viết Lam

Bình luận

ZALO