Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Từng bước cải thiện nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong 3 năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp đồng bào nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Báo Biên phòng xin giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

j81w_8-2

Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:

Để triển khai hiệu quả đề án, trong thời gian tới, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, triển khai các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế ở từng địa phương, vùng miền. Đồng thời, chú trọng những cách làm, mô hình thu hút được nhiều người tham gia, lấy người dân làm trung tâm, như kết hợp giữa tuyên truyền, PBGDPL với cam kết, phát huy vai trò của người dân; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để người có uy tín, cán bộ, công chức người DTTS, những điển hình tiên tiến tham gia tuyên truyền, PBGDPL, vận động đồng bào DTTS.

Trong thời gian tới, Ủy ban dân tộc sẽ nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, xác định rõ nhiệm vụ này sẽ là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, không gián đoạn, nhất là với đồng bào DTTS. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tuyên truyền, PBGDPL đối với đồng bào DTTS.

tecy_8-4

Ông Hoàng Thái Hòa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh:

Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin tập trung vào trọng tâm, ngắn gọn, để người dân dễ hiểu, dễ nhớ khi tiếp cận. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp rất hiệu quả với ngành tư pháp, lực lượng Biên phòng, Công an và các đoàn thể chính trị tổ chức, hàng trăm buổi nói chuyện, tuyên truyền lưu động đem kiến thức pháp luật đến gần hơn với đồng bào DTTS. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, trưởng bản nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho họ, từ đó tuyên truyền cho đông đảo người dân. Đặc biệt, chúng tôi cho rằng, cần phát huy vai trò của báo chí trong nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

ndgz_8-6

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai:

Qua thực tế ở địa phương, tôi nhận thấy, cần phát huy đội ngũ người có uy tín ở địa phương, ở cơ sở, họ thực sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Tôi mong Ủy ban dân tộc tiếp tục có hướng báo cáo các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, có chính sách phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín. Thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có tác động nhiều đến đời sống của người DTTS như Hiến pháp, Luật Đất đai, an toàn giao thông, bảo vệ rừng, phòng chống ma túy, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội để cải thiện đời sống của đồng bào, để họ có thể “mắt thấy, tai nghe”. Chỉ có như vậy, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới thấm sâu vào đồng bào các DTTS.

q84k_8-5

Ông Sầm Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An:

Hiện nay, công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương vẫn còn một số vấn đề như chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền; mô hình tủ sách pháp luật vẫn theo phương thức cũ, chưa phát huy được hiệu quả; đội ngũ báo cáo viên pháp luật đa số còn hoạt động kiêm nhiệm chưa được bồi dưỡng thường xuyên... Để công tác tuyên truyền có hiệu quả cao, đem lại chất lượng và pháp luật đi sâu vào đời sống của đồng bào DTTS, với góc độ ở cơ sở, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có hướng nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, đồng thời, cần xem xét và hỗ trợ nguồn kinh phí, tài liệu bằng tiếng dân tộc để thực hiện phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, bản. 

lc27_8-1

Ông Vũ Hữu Hoạt, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc: 

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ cán bộ, đồng bào các DTTS về cơ bản đã nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách có liên quan trực tiếp đến vùng DTTS và miền núi. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đây là cơ sở quan trọng để đồng bào vươn lên, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo sự đồng thuận của đồng bào với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, đề án đã có những tác động bước đầu rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đồng bào vùng DTTS và miền núi; phản ánh kịp thời các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình làm kinh tế giỏi, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, đề án đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của đồng bào DTTS và miền núi; vùng DTTS và miền núi không phát sinh các “điểm nóng”, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thế trận lòng dân trong thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh được củng cố và tăng cường.

pcju_8-3

Ông Nguyễn Chí Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ủy ban Dân tộc: 

 Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, cơ chế chính sách, nguồn lực được quy định khá đầy đủ, toàn diện cụ thể trong các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật và chương trình đề án, trong đó có Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy, tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng đề án theo Quyết định số 1163 có thời gian ngắn nhưng đặt ra mục tiêu lớn, trong khi kinh phí triển khai lại hạn chế. Tại cấp cơ sở, đang thiếu đội ngũ báo cáo viên biết ngôn ngữ DTTS, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa tập quán sinh hoạt của đồng bào. Để làm tốt nhiệm vụ này, trong thời gian tới, chúng ta cần xác định rõ nhiệm vụ PBGDPL cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên liên tục và không gián đoạn. Các cấp có thẩm quyền cần xem xét lồng ghép nguồn lực để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.

Bình Minh (ghi)

Bình luận

ZALO