Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 06:07 GMT+7

Tưng bừng Lễ hội cúng biển Mỹ Long

Biên phòng - Từ ngày 30-6 đến 2-7, tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã diễn ra Lễ hội cúng biển Mỹ Long năm 2020. Đây là lễ hội gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Mỹ Long và phong tục tập quán của cư dân vùng biển nơi đây, với mong muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa, cho vụ mùa đầy ắp cá tôm. Lễ hội được duy trì hơn 100 năm nay và trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của địa phương. 

Nghi thức Chánh tế tại Lễ hội cúng biển Mỹ Long được người dân địa phương tổ chức trang trọng để cầu an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, khoang thuyền đầy cá tôm trong những chuyến ra khơi. Ảnh: Phương Nghi

Nhằm bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội truyền thống góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 31-10-2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Lễ hội cúng biển Mỹ Long là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ôn lại truyền thống Lễ hội cúng biển Mỹ Long, ông Lê Văn Đẹp, Chánh bái Miếu bà Chúa xứ Mỹ Long cho biết: “Lễ hội cúng biển Mỹ Long còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cư dân vùng đất Mỹ Long - Cầu Ngang được diễn ra hằng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với biển cả, cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cư dân làng biển. Lễ hội được chia ra làm 6 phần chính tại làng biển Mỹ Long trong 3 ngày: Nghinh Ông Nam Hải bằng tàu biển, giỗ tiền chức, chánh tế, chánh tế bà Chúa xứ, nghinh ngũ phương và lễ tống tàu ra khơi”.

Phần lễ diễn ra trang nghiêm với nhiều nghi thức đậm chất truyền thống của ngư dân miền biển. Đoàn rước Nghinh Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là đội kèn Tây, theo sau là các học trò lễ, các đoàn binh sĩ, nữ thanh lịch... cung thỉnh Ông về ngự trong lăng để phù hộ cho làng nước bình yên, ngư dân trúng mùa tôm cá. Lễ được khởi hành tại lăng Ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Mỹ Long và tiến lên ghe ra biển cúng, dân chúng đứng hai bên đường hò reo, cổ vũ tạo nên không khí lễ hội thật náo nhiệt.

Nếu như những năm trước, lễ “rước Ông” chỉ có trên 100 chiếc ghe, thì năm nay có khoảng 300 chiếc, có cả tàu, ghe ở các tỉnh như Bình Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang..., các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu như một thuyền hoa, mọi người lên tàu ra biển Nghinh Ông.

Ngư dân Trần Văn Thành, ở thị trấn Mỹ Long, năm nay 40 tuổi, trong đó có hơn 20 năm tuổi nghề. Ngồi trên mũi tàu, chuẩn bị lễ “rước Ông”, anh Thành cười vui cho biết: “Lúc tôi còn đi học, mỗi khi nghỉ hè là được cha cho theo ra biển. Lúc đầu, chỉ phụ giúp công việc lặt vặt như nấu cơm, rửa chén. Sau đó, thích nghề biển lúc nào không biết”. Từ chỗ chỉ là một đứa trẻ tập tành làm quen với biển, giờ đây, anh Thành đã sở hữu chiếc tàu có công suất 220CV, mỗi chuyến ra khơi đều đem về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Anh Thành chia sẻ: “Ði biển bây giờ khác nhiều với cha tôi trước đây. Giờ mình có nhiều trang thiết bị hiện đại hơn, đánh bắt xa bờ hơn nên cũng hiệu quả hơn trước. Sống bằng nghề biển cũng ổn, tôi đang tích cóp và vay vốn đóng tàu mới lớn hơn, vươn khơi đánh bắt”. Không bằng lòng với việc chỉ khai thác ở vùng biển Tây Nam truyền thống, mà giờ đây, nhiều ngư dân Mỹ Long đã có ước muốn vươn khơi xa. Mỗi ngư dân đều muốn có hành động vì chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cúng biển Mỹ Long cho biết: Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng. Đây là lễ hội truyền thống giàu tính nhân văn, sáng tạo, đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển Trà Vinh. Với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhưng đây cũng là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Mỹ Long và của ngư dân làm nghề biển Trà Vinh trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO