Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Tục kiêng gió Giêng, Hai của người Dao

Biên phòng - Ngày 20 tháng Giêng âm lịch là ngày kiêng gió đầu tiên trong năm của người Dao Đỏ. Đây là ngày kiêng gió đi rất quan trọng trong đời sống tâm linh có tính chất riêng tư, nhất nhất tuân thủ của các gia đình người Dao. Cũng chính họ còn có một ngày kiêng gió nữa, gọi là kiêng gió về vào ngày 20 tháng Hai âm lịch. Cho đến nay, người Dao Đỏ có thể thoải mái chia sẻ về phong tục này, khác với trước đây, khi hỏi về ngày lễ kiêng gió, họ thường im lặng.

Phụ nữ Dao chuẩn bị giống cây trồng vào tháng Giêng âm lịch (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thúy Hằng

Ở các khu vực có du lịch phát triển, ngày lễ kiêng gió được phát triển thành lễ hội kiêng gió và tổ chức như một lễ hội cộng đồng địa phương. Đồng bào vẫn giữ phong tục của dân tộc mình là kiêng gió, kiêng động thổ, làm việc nặng nhọc, phát ra tiếng động lớn, chỉ xuống chợ mua bán và thăm hỏi, uống rượu. Đó là trường hợp lễ hội kiêng gió của người Dao Thanh Y ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đồng bào các dân tộc khác rất thích thú ngày lễ này của người Dao, thường mỗi kỳ lễ hội thì tới Bình Liêu, hòa vào dòng người xuống chợ phiên, ăn uống, thưởng thức ẩm thực địa phương, chụp ảnh, ca hát giao lưu.

Còn người Dao Đỏ ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang lại có nét sinh hoạt ngày hội kiêng gió hơi khác một chút. Nét đẹp và đáng trân trọng là vào ngày này, có hai việc rất được các gia đình thường làm là đàn bà thì thêu thùa trang phục và đàn ông thì học viết chữ của người Dao. Vào ngày kiêng gió, các bản làng người Dao im ắng đến độ hiếm cả tiếng chó sủa. Nhà nào cũng kiêng nói to, kiêng làm việc gì phát ra tiếng động.

Họ cho rằng, không gian phải im ắng hoàn toàn để Thần gió tràn tới mọi ngóc ngách của bản làng, của các gia đình, chuồng gia súc, ruộng nương để độ trì mùa màng tươi tốt, vật nuôi phát triển. Đặc biệt, họ kiêng làm việc vào ngày này với quan niệm là dụng cụ sản xuất, cày cuốc, trâu bò cũng phải nghỉ ngơi để lại sức sau một vụ mùa, tái tạo lại sức mạnh, sức khỏe để tiếp tục các vụ mùa mới.

Tục kiêng gió cũng có thể là nguồn gốc của các phong tục kiêng cữ khác trong đời sống người Dao như khi ăn kiêng gõ vào đũa bát phát ra tiếng động. Họ quan niệm, làm như thế, mùa màng sẽ thất bát. Những dân tộc biết canh tác lúa nước và sống phụ thuộc vào thiên nhiên thường có nhiều phong tục trong đời sống liên quan đến kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, quá trình sinh tồn trước thiên nhiên và các thế lực siêu nhiên mà con người chưa lý giải được.

Phụ nữ Dao hầu như đều biết thêu. Họ thông hiểu các hoa văn thêu trên vải và đó đều là các hình ký họa về cây cối, chim muông, hình hoa văn tín ngưỡng mà chỉ có họ mới nắm bắt được kỹ thuật do mẹ, do bà truyền lại. Ngày kiêng gió của tháng Giêng chính là ngày tìm lại trong buồng những tấm áo, quần, khăn, dây lưng đang thêu dở từ mùa trước để tiếp tục thêu cho hết trang phục mà vì nội trợ, vì mùa màng gấp gáp chưa thêu xong. Ngày kiêng gió không hoàn toàn là ngày thư nhàn, chính xác là ngày im lặng, quãng nghỉ giữa chuỗi ngày bận rộn của người Dao.

Dân tộc Dao là dân tộc còn giữ được chữ viết của mình. Họ gọi đó là chữ Nho và sở hữu những cuốn sách cổ có khi vài trăm năm còn để lại, lưu giữ như truyền thống gia đình, dòng họ. Những thanh niên thông minh, linh lợi và có năng khiếu về ngôn ngữ, chữ viết được người lớn truyền lại cách đọc, cách viết chữ Nho, cách làm giấy mực để tập viết chữ. Một số tài liệu chữ Nho còn ghi chép cả cách rèn dao, chế tác cuốc xẻng, cày bừa, cách nuôi ong và nấu rượu, kỹ thuật nhuộm vải...

Đó đều là những kinh nghiệm quý của người Dao muốn truyền lại. Ngày kiêng gió đồng thời cũng mở ra cả kho tàng kinh nghiệm dân gian. Sự truyền dạy cũng từ đó, chứ nếu cuộc sống chỉ có chăm sóc mùa màng, gia súc bận rộn thì sẽ không có ngày mở sách. Họ chỉ mở sách vào lễ cúng, ngày đẹp, ngày lành theo lịch và thân thể, tâm trí phải thanh tịnh, sạch sẽ mới động vào, nghiên cứu sách chữ Nho, thường gọi là sách Thánh hiền.

Chảo Duẩn, một thanh niên người Dao ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ với chúng tôi, anh rất muốn đóng góp sức mình để truyền bá văn hóa dân tộc, biến ngày lễ kiêng gió vào 2 dịp hạ tuần các tháng Giêng, Hai âm lịch hằng năm trở thành ngày hội du lịch. Bởi vì đây sẽ là dịp để khách du lịch tìm hiểu về phong tục của người Dao, được thấy phụ nữ Dao thêu thùa và đàn ông người Dao đọc, viết chữ Nho. May mắn nữa, họ có thể gặp gỡ, giao lưu tìm hiểu với các nghệ nhân biết vẽ tranh thờ, viết chữ và các thầy mo chuyên làm lễ cấp sắc. Cả kho tàng văn hóa thú vị và đặc sắc thể hiện khao khát sống thuận hòa với tự nhiên, tín ngưỡng thờ thần, vạn vật có linh, nương theo biến thiên của thời gian để tồn tại và phát triển.

Người Dao có nhiều phong tục đẹp, ngoài ngày lễ kiêng gió còn có lễ xuống đồng, tục trồng cây đầu năm, ban phúc lành cho trẻ nhỏ, kính lễ người già... Ngày kiêng gió giống như một kiểu đuổi tà ma, xua điều xui xẻo và đón gió lành, rửa sạch không khí để bớt đi bệnh tật. Ở một vài vùng tập trung nhiều người Dao sinh sống ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, ngày hội kiêng gió được phát triển tự nhiên theo nhiều năm và phù hợp với lối sống, phong tục của các nơi đó.

Tuy có chút khác nhau, nhưng ý nghĩa của ngày lễ vẫn không thay đổi. Có nơi, phụ nữ trong bản người Dao ra ngoài rất sớm. Họ tụ tập trên các khoảnh rừng trống để thêu thùa, đến tối mới về nhà và để cửa để Thần gió vào nhà. Đây cũng là một cách hay nếu phụ nữ các bản làng đều tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất đồ thổ cẩm, hay là câu lạc bộ thêu thùa trang phục truyền thống.

Có những nơi, vào ngày kiêng gió, các gia đình người Dao lại tổ chức ăn uống tại nhà, gói bánh chưng và thịt lợn làm cỗ. Miễn là không làm việc gì vào ngày này, không động vào cuốc xẻng, cày bừa, búa liềm. Theo lịch âm, những ngày kiêng gió Giêng, Hai đều là những ngày rất lạnh và gió. Có thể cũng là lý do để người Dao nghỉ ngơi, tránh gió lạnh. Vì thế, việc tìm hiểu phong tục tập quán người dân tộc thiểu số luôn mang đến những thú vị, nhất là đối với khách du lịch thích khám phá văn hóa bản địa.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO