Biên phòng - Dân tộc Sán Dìu ở nước ta có nhiều nét độc đáo về các nghi lễ như nghi lễ cúng cơm mới, rửa bừa, cúng thần rừng... đến nay vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn, đặc biệt là phong tục cưới hỏi.
Định cư chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh và một bộ phận chuyển vào miền Nam sinh sống, người dân tộc Sán Dìu cũng như các cộng đồng người khác sống ở Việt Nam, đã và đang góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hết sức đậm đà bản sắc dân tộc mà ít nơi trên thế giới có được. Cộng đồng người Sán Dìu ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang khoảng hơn 4. 000 người, cư trú chủ yếu ở các xã Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn, Biển Động và một phần ở Kiên Lao. Người Sán Dìu có những phong tục rất độc đáo như phong tục đón Tết, phong tục rửa bừa, cúng cơm mới...
Cưới hỏi của người Sán Dìu diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Ông Thăng Văn Thông, thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn cho biết: Theo phong tục truyền thống của người Sán Dìu thì việc cưới hỏi chủ yếu do nhà trai chủ động. Nhà có con trai lớn, đến tuổi dựng vợ thì nhờ anh em, bạn bè xem có cô gái nào ưng ý thì giới thiệu cho. Việc cưới xin của người Sán Dìu phải tiến hành đủ các bước: Lễ dạm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. Lễ dạm hỏi (người Kinh gọi là lễ dạm ngõ), khi chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối (moi nhim) mang lễ vật sang nhà gái để ngỏ lời. Lễ vật gồm chục quả cau, vài lá trầu, một chai rượu và ít bánh kẹo. Sau lời của ông mối, nhà gái sẽ trao lá số (lổông nén) của con gái mình gồm ngày sinh, tháng đẻ, tên cho người mối mang về. Lựa ngày tốt, ông mối mang lá số của cô gái đã được nhờ thầy cúng xem cùng với tuổi chàng trai để xem hai người có thể lấy nhau được không.
Người Sán Dìu có cách xem tuổi dựa theo thuyết ngũ hành. Nếu so tuổi thấy hợp, ông mối sẽ báo cho nhà gái biết việc xem lá số đã thành công bằng một lễ nhỏ gồm nải chuối, 10 lá trầu, 10 quả cau. Sau 10 ngày, nếu nhà gái không đồng ý sẽ đem lễ vật đến trả nhà trai, nếu đồng ý sẽ không có ý kiến gì. Từ đó, đôi trai gái có thể tự do đi lại tìm hiểu nhau. Đây cũng là thời gian để ông mối thông báo, hỏi ý kiến nhà gái về cuộc hôn nhân và báo cho nhà trai biết để chuẩn bị lễ ăn hỏi.
Sau lễ so tuổi từ một đến ba tháng, nhà trai mang lễ vật gồm 10 quả cau, 2 phong bánh khảo, chai rượu, gói chè để báo tin cho nhà gái ngày ăn hỏi. Trong lễ ăn hỏi (bao nhít), nhà trai thông báo ngày cưới, giờ đón dâu cho nhà gái. Trước lễ cưới khoảng một tháng, ông mối đưa sang nhà gái một nửa số tiền dẫn cưới gọi là tiền đặt “cọc”, cùng với một ít trầu cau, còn nửa số tiền sẽ giao nốt cho nhà gái vào lễ cưới chính thức.
Lễ cưới của người Sán Dìu thường diễn ra trong ba ngày. Trước ngày cưới từ 15 đến 20 ngày, chọn ngày tốt, nhà trai nhờ người chặt tre đan rọ lợn, lồng gà. Giáp ngày cưới (sênh ca chíu), một không khí nhộn nhịp diễn ra: Hai bên gia đình chuẩn bị đồ nấu ăn, chặt tre vót đũa, sửa sang nhà cửa... Khi hai nhà bắt đầu dựng rạp cũng là lúc nhà trai đem nốt số lễ vật đã được ghi vào hôn thư trong lễ ăn hỏi sang nhà gái. Các đồ lễ đều được dán giấy đỏ, tượng trưng cho màu của hạnh phúc, vui vẻ, đầy đủ. Thông thường, chú rể không đi đón dâu. Đoàn dẫn lễ và đi đón dâu gồm: Một quan lang trưởng làm trưởng đoàn đại diện họ nhà trai nạp các lễ vật cho nhà gái, một quan lang phụ, ông mối, một thanh niên trẻ bưng tráp trầu cau, một cô gái mang theo chiếc ô để phù dâu, 4 người khiêng lợn, một người gánh trầu cau, một người gánh rượu, một người gánh gạo.
Khi đoàn đón dâu tới cổng nhà gái, nhà gái cử hai hoặc bốn người con gái khiêng bàn ra, đặt trên đó chiếc đèn, bộ ấm chén, trầu cau... cùng một cành tre có dán giấy đỏ để chắn cửa vào. Đại diện nhà gái hát, nhà trai phải hát đối lại, nếu được thì nhà gái dọn bàn để cho nhà trai vào nhà, nếu không hát đối được, phải nộp một ít tiền nhỏ và ít trầu cau mới được vào nhà. Thông thường, nhà trai phải hát đối lại ít nhất ba bài hát.
Vào nhà, ông trưởng đoàn cùng một anh bưng tráp trầu cau sắp đặt trên bàn thờ tổ tiên. Sau đó, ông làm lễ trình báo với tổ tiên nhà gái, nội dung: “Hai gia đình đã sinh thành hai cháu trưởng thành. Sự tìm hiểu của hai cháu đã thuận tình và được nhờ tổ ấm của gia đình, sự vun đắp của hai họ, hai gia đình đã chọn được ngày lành tháng tốt tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu...”. Nhà gái nhận đủ lễ vật xong, mời mọi người dự cưới ăn cơm tối.
Sau bữa cơm tối là lễ “Khai hoa tửu”, đây là nghi lễ không thể thiếu của đám cưới người Sán Dìu. Sau lễ “Khai hoa tửu”, mọi người hân hoan hát chúc mừng cô dâu, chú rể hạnh phúc và đưa cô dâu về nhà chồng.
Đám cưới của người Sán Dìu không chỉ là sinh hoạt văn tinh thần, mà còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên...
Long Vũ