Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Tư tưởng trọng dụng hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Biên phòng - Nối tiếp tinh thần sáng láng của dân tộc và am tường lịch sử phát triển của văn minh nhân loại, ngay từ ngày đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến việc trọng dụng hiền tài là một tư tưởng lớn, có ý nghĩa chiến lược trong toàn bộ hệ thống tư tưởng chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng về trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập. Ảnh: tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng có thành công hay không, kháng chiến kiến quốc có thắng lợi hay không, đất nước và dân tộc Việt Nam có “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không” trước hết và cơ bản tùy thuộc vào sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc - mà cốt lõi và tinh túy của sức mạnh ấy - chính là tư tưởng và trí tuệ của các hiền tài.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước ta đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp. Lúc này, phải huy động trí lực của cả dân tộc để tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài, cần có những bậc hiền tài ra giúp nước. Vì vậy, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc”. Người viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Một năm sau, trước cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị “Tìm người tài đức”. Ngày nay, đọc lại văn bản này, chúng ta vẫn thấy thấm thía và xúc động mãnh liệt bởi tư tưởng sâu sắc, trí tuệ siêu việt và đức độ cao cả của Bác Hồ trong việc trọng dụng hiền tài.

Mở đầu bản chỉ thị, Hồ Chủ tịch khẳng định vai trò của nhân tài: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức”.

Bác cũng chân thành, thẳng thắn: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”... Tiếp đó, Bác giao nhiệm vụ cho các địa phương phải nhanh chóng tìm người tài đức và báo cáo ngay cho Chính phủ: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những điều ích nước, lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết... Hạn trong một tháng, các cơ quan, địa phương phải báo cáo cho đủ”.

“Nhân tài và kiến quốc” và “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 2 văn kiện có giá trị vô cùng to lớn của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương trọng dụng hiền tài để cách mạng thành công và đất nước phát triển, chẳng những có giá trị trọng đại lúc đương thời, mà còn có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với hưng thịnh của đất nước và dân tộc muôn đời sau. Đấy là tầm nhìn chiến lược, hết sức sáng suốt và đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề nhân tài. Đấy là tinh thần thực sự cầu thị, thật sự khoa học và tư tưởng nhân văn sâu sắc của Bác Hồ. Bởi Bác thấy rất rõ, rất sâu sắc vai trò của hiền tài đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời thể hiện một cách sáng tỏ tư tưởng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “chiêu hiền đãi sĩ” - vốn là bản chất cao cả của các bậc vĩ nhân!

Nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết bao người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã tự nguyện và nồng nhiệt đi theo Bác Hồ và cách mạng, đóng góp tài năng, trí tuệ cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như cho công cuộc hòa bình. Từ các vị quan chức cấp cao của triều Nguyễn như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe..., các bậc danh nho như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố... đến các bậc trí thức tân tiến tài giỏi như Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng... và biết bao người con ưu tú khác của dân tộc vì kính trọng và cảm kích trước trí tuệ trác tuyệt và tình cảm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hội tụ xung quanh Cụ Hồ, dốc lòng vì nghĩa lớn, góp phần xứng đáng cho những thành quả vẻ vang của công cuộc kháng chiến.

Đối với các bậc hiền tài, Bác tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi, bố trí công việc phù hợp với sở trường của mỗi người; tạo bầu không khí cởi mở, phát huy tinh thần dân chủ, phê phán thói hẹp hòi, đố kỵ nhân tài... để họ phát huy năng lực và óc sáng tạo. Bên cạnh đó, Bác cho “thực hành ngay” những ý kiến đóng góp quý báu của các bậc hiền tài. Người còn đặc biệt quan tâm đến đời sống và tâm tư, tình cảm của các nhân tài, để họ yên tâm, phấn khởi làm việc, đóng góp được nhiều công sức cho đất nước.

Để chăm lo việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cấp ủy Đảng và chính quyền phải làm tốt công tác này.

Đối với trí thức - tầng lớp nảy sinh các nhân tài, Bác Hồ luôn luôn đề cao vai trò của họ, khích lệ họ cống hiến tài năng cho đất nước.

Nói chuyện tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ II, ngày 25-4-1961, Bác căn dặn trí thức phải gắn bó chặt chẽ với công nông, mới có sức mạnh sáng tạo: “Trí thức ta không còn là những người chỉ nằm trong cái tháp ngà và xa rời quần chúng. Ngày nay, trí thức ta là những người lao động trí óc, luôn luôn hòa mình với công nông và cùng công nông ra sức xây dựng xã hội mới”.

Đối với thế hệ học đường - nơi ươm mầm nhân tài cho đất nước, Bác Hồ đặt bao kỳ vọng và động viên các em gắng sức học hành cho được giỏi giang, để sau này giúp ích cho nước nhà. Trong “Thư gửi học sinh”, ngày 5-9-1945, nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ khuyên nhủ ân cần, thiết tha: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”. Bức thư cuối cùng của Bác gửi các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên cả nước, đề ngày 15-10-1968, Người lại nhắc nhở: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”...

Cho đến bản “Di chúc”, Bác Hồ vẫn căn dặn các cấp ủy Đảng và chính quyền: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết!”.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước, qua các đại hội và nhiệm kỳ, đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với nhân tài và đội ngũ trí thức, quan tâm, động viên và khuyến khích đội ngũ này đóng góp tài năng cho đất nước. Công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng ta xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 27 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (phần nói về Giáo dục- Đào tạo), là sự thể hiện cụ thể và mới mẻ của việc trọng dụng trí thức nói chung và nhân tài nói riêng.

Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, vị thế nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, kinh tế số và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Trong bối cảnh đó, đất nước càng cần phải có đội ngũ trí thức thật sự có chất lượng cao và đặc biệt quan trọng là phải có nhiều nhân tài đích thực. Do vậy, thiết thực chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng và thực sự trọng dụng hiền tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là yêu cầu tất yếu để đất nước phát triển nhanh, bền vững và phồn vinh.

Đào Ngọc Đệ

Bình luận

ZALO