Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô giá, trong đó, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, trở thành chiến lược cách mạng của Đảng và dân tộc, tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và là nguồn động lực - sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa toàn nhân loại, đặc biệt là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, bởi: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch, là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, phải được tạo dựng, bao gồm lực lượng của toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, nam nữ, giàu, nghèo... trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là đảng cộng sản. Người chỉ rõ: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”.
Tư tưởng nhất quán của Người là: Đại đoàn kết toàn dân mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, không phải là nhất thời: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài..., không phải là một thủ đoạn chính trị... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Để tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì vấn đề rất cơ bản là phải xây dựng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, thu hút rộng rãi mọi lực lượng, mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước. Mặt trận đó muốn có sức mạnh, thực sự là cơ sở chính trị của cách mạng thì phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng bước đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, trong quá trình xây dựng CNXH, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đường lối chiến lược quan trọng đó luôn được thực hiện, cụ thể hóa thông qua hoạt động của MTTQ Việt Nam với vai trò là liên minh chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phối hợp và thống nhất hành động của toàn dân nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Quán triệt sâu sắc phương châm “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã căn cứ vào điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Thực tế cho thấy, các phong trào, các cuộc vận động lớn do MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phát động, tổ chức thực hiện ngày càng phong phú, hợp “ý Đảng, lòng dân”, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hiện nay, nhiều phong trào thi đua yêu nước được MTTQ Việt Nam phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân như: “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn minh đô thị”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”…
Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức Mặt trận các cấp đã góp phần to lớn vào việc huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, nhân văn, nghĩa tình của dân tộc ta trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như trong việc giúp đỡ, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục, vượt qua nhiều mất mát, đau thương do hậu quả của những đợt bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra. Càng trong khó khăn, MTTQ Việt Nam càng phát huy được vai trò tiên phong trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, càng thể hiện rõ sức mạnh, bản lĩnh, ý chí và những phẩm chất cao đẹp, sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Thông qua những hoạt động ích nước, lợi dân, Mặt trận đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, MTTQ Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc và mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước; chú trọng phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong nhân dân; xóa bỏ định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung để đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội cùng đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên