Biên phòng - Cuối tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với xuất khẩu hải sản đánh bắt của Việt Nam vào thị trường châu Âu, với lý do Việt Nam hành động không kiên quyết trong việc ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây là hồi chuông báo động khẩn, đòi hỏi ngành thủy sản Việt Nam phải có những nỗ lực đổi thay tích cực, bởi sau 6 tháng bị gắn thẻ vàng, nếu không đáp ứng các yêu cầu của EC, thủy sản Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, đồng nghĩa toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị cấm.
Tình trạng khai thác thủy, hải sản của ngư dân nước ta chưa được quản lý chặt chẽ đã dẫn tới nạn đánh bắt trái phép diễn ra trong một thời gian dài. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến 2016, số lượng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ đang có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, năm 2010, số tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, bị bắt giữ là 223 tàu với 1.748 người; năm 2014 là 260 tàu với 1.998 người; năm 2015 là 361 tàu với 2.688 người và năm 2016 là 364 tàu với 2.689 người. Từ đầu năm 2017 đến nay, xảy ra 119 vụ với 204 tàu, 1.635 ngư dân của các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau, Bến Tre, Phú Yên, Bình Thuận, Hải Phòng, Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Đặc biệt nghiêm trọng, có những trường hợp ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài dùng súng bắn, làm 3 người chết, 3 người bị thương. Tại vùng biển các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng ghi nhận ngư dân Việt Nam vi phạm, bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý. Hiện tượng này đã gây bức xúc trên các diễn đàn quốc tế và dư luận các quốc gia trong khu vực. Ngày 23-10-2017, EC chính thức “phạt” “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, đây mới chỉ là hình thức cảnh cáo, chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU. Trong thời gian bị thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp qua khu vực này sẽ giảm do các khách hàng e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, đồng thời, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam mất rất nhiều thời gian, chi phí. Đáng lo ngại nhất là hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Mặt khác, ảnh hưởng vụ việc chưa dừng lại ở EU, bởi từ ngày 1-1-2018, Mỹ - thị trường nhập khẩu hải sản lớn của Việt Nam cũng đã áp dụng chương trình giám sát nhập khẩu thủy, hải sản vào Mỹ.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, khoảng 5 năm trước, các đoàn chuyên gia của EU đã nhiều lần cảnh báo việc đánh bắt trái phép có thể sẽ bị EC rút thẻ cảnh cáo. Giữa tháng 5-2017, đoàn công tác của EU lại vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định về đánh bắt cá của EU. Qua kết quả kiểm tra, đoàn công tác cho rằng, hoạt động quản lý khai thác thủy sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về kiểm soát khai thác (IUU).
Sau kiểm tra, EU đã đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải hoàn thành trước ngày 30-9-2017, bao gồm: Hoàn thiện thể chế; Quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; Hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-kỹ thuật biển Việt Nam nhìn nhận, việc EC giơ thẻ vàng cảnh báo không phải là căn cứ vào những bằng chứng mà ở đây là cả một quá trình rất dài với các vấn đề liên quan đến tình trạng khai thác không kiểm soát. “Thực ra, các nước đang phát triển thì bao giờ cũng gặp phải vấn đề này, rõ nhất là các nước quanh Biển Đông. Song, khi chưa hội nhập, anh muốn làm gì thì làm, bây giờ mình hội nhập rồi, buộc chúng ta phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu không tuân thủ, tất cả bị cấm vận thì mình thiệt hại” - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An nói.
Dưới cái nhìn của nhà khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An cũng cho biết, hiện nay, nghề cá chung của thế giới đang suy giảm do tình trạng khai thác quá mức. So với những năm 1950, lượng cá trên Biển Đông đã bị khai thác đến 90%, hiện chỉ còn 10% và những loại cá quý hiếm hầu như không còn. Điều này buộc các nước có trách nhiệm phải lên tiếng và có biện pháp để “cứu” lấy tài nguyên biển. Riêng nghề cá nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề về xã hội, về kỹ thuật và môi trường. “Những vấn đề này cũng đã được các nhà khoa học “xới lên” hơn 20 năm nay, nhưng ta vẫn chưa khắc phục được” - Ông An nói.
“Trước mắt, để khắc phục "thẻ vàng" của EC, chúng ta phải thể hiện thiện chí, nỗ lực trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc thực hiện đánh bắt có trách nhiệm. Điều quan trọng là sách lược. Chúng ta phải có chính sách rất rõ ràng, phải quản lý theo hệ thống kỷ cương, xây dựng những hành lang luật pháp và đi trong hành lang ấy phù hợp với thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, bảo đảm sinh kế cho ngư dân, bảo vệ được môi trường và phát triển bền vững” - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An nói.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nghề cá của nước ta vốn từ lâu đã ảnh hưởng lối tư duy “điền tư, ngư công”, biển là của trời, của chung, ai muốn làm gì thì làm. Cùng đó, áp lực của cuộc mưu sinh đã khiến cho tài nguyên biển bị khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt ngày càng suy giảm nghiêm trọng.
“Dân số ngày càng đông, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, người ta khai thác biển một cách triệt để. Ngư dân ta chưa có nhiều người đủ điều kiện đóng tàu to ra biển xa nên chủ yếu vẫn là khai thác vùng ven bờ, mà vùng bờ là nơi cá tập trung sinh sản. Cùng với đó là việc phá hủy các rừng ngập mặn, các rạn san hô, cỏ biển, việc sử dụng các công cụ hủy diệt, dùng tàu giã cào, lưới rê, các công trình lấn biển, khu công nghiệp xả thải ra môi trường... khiến hệ sinh thái bị phá hủy” - Ông An lý giải.
Đối với chương trình đánh bắt xa bờ, đây là một hướng đi đúng, nhưng chúng ta chưa có bước chuẩn bị kỹ càng. Tức, phải có đánh giá, dự báo về nguồn lợi, chuẩn bị tốt về kỹ thuật, phân bổ hạn ngạch cho ngư dân, có phương án sản xuất theo chuỗi để tăng giá trị sản phẩm... Mặt khác, hiện nay, các nước quanh Biển Đông đều tuyên bố quyền tài phán nên ngư dân của ta phải nắm vững về luật pháp, chứ không thể mang tư duy “ngư công” mà vươn ra biển xa khai thác. Cùng với đó, Nhà nước ta phải tạo sức mạnh về pháp lý, về ngoại giao, phải tiến hành đàm phán, chia sẻ để cùng khai thác.
Như vậy, bên cạnh những thách thức, khó khăn hiện nay khi EC giơ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, đây cũng chính là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Phương Oanh