Biên phòng - Tôi theo đuổi đề tài phân tích thực trạng di cư tự do trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ lâu nay. Sau nhiều năm thường xuyên tác nghiệp ở biên giới, gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy rất nhiều bài báo đã viết, nhiều báo cáo giải trình, nhiều giải pháp tháo gỡ, nhưng tất cả đều xa rời thực tế. Điểm mấu chốt của thực trạng này và câu trả lời nằm ở chính đời sống của đồng bào mà nếu phóng viên không đi đến tận nơi thì không thể thấu đáo được.
Quy trình tác nghiệp của tôi luôn bắt đầu từ con số nổi cộm được tổng hợp, tìm kiếm trong các tài liệu tổng kết của cơ quan chức năng, tìm những điều bất hợp lý, những địa phương xuất hiện nhiều và thường xuyên tình trạng đồng bào di cư tự do. Sau đó, tôi mới tìm kiếm câu trả lời ở phía địa phương và chính những cộng đồng dân cư đang xuất hiện thực trạng đó.
Tôi từng sống nhiều ngày cùng đồng bào Mông ở Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An... Đó là những nơi người Mông di cư tự do nhiều nhất. Đồng bào nghĩ gì, ước vọng gì ở tương lai, tâm tư ra sao là điều tôi cần biết. Tôi rất may mắn vì tới địa bàn đồn Biên phòng nào cũng được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, giúp đỡ. Khi nghe tôi đề cập đến đề tài này, chỉ huy các đồn cử cán bộ địa bàn đi cùng tôi xuống tận nơi, gặp gỡ hộ gia đình, thậm chí ăn bữa cơm cùng với họ, lắng nghe họ tâm tư và chia sẻ.
Thuận lợi hơn nữa là đi cùng tôi luôn có một phóng viên nữ tâm huyết, yêu quý đời sống miền núi chân thành, lại rất chịu khó lắng nghe, tìm hiểu chu đáo, phản ánh cẩn trọng, đó là Thiếu tá Nguyễn Bích, phóng viên Báo Biên phòng. Chúng tôi đã từng lặn lội cùng nhau những chuyến đi dài, đến những miền xa xôi hẻo lánh, có lúc đi bộ rã chân mới tới được các bản làng xa xôi. Đến những nơi bà con còn đói giáp hạt, thiếu nước sinh hoạt, rừng thì trọc lóc, đất đai hoang hóa, bạc màu mới hiểu bà con ao ước, hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Vì thế, trong những cơn khốn cùng, tuyệt vọng đó, họ bỏ lại quê hương phía sau không luyến tiếc. Tuy nhiên, đó chỉ là một lý do, còn “muôn ngàn vạn trạng” những câu chuyện nằm sau các dãy núi cao chờ bước chân của chúng tôi khám phá, hết chuyến đi này đến chuyến đi khác.
Tôi và Nguyễn Bích đã vài lần viết các phóng sự dài kỳ về di cư tự do. Chúng tôi xoáy sâu vào những phận đời cứ lưu lạc hết vùng đất này đến vùng đất khác. Vì cuộc sống chật vật quá, nghe người này, người kia rủ rê, họ bốc cả gia đình sang chỗ khoảnh nương tốt, có nguồn nước dồi dào. Vài năm vật vã làm quen với cuộc sống mới, nương rẫy cằn cỗi thì lại chuyển. Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi, phải chăng đối với một vài dân tộc có đặc tính mạnh mẽ, thích chinh phục như người Mông, người Dao... thì “an cư - lạc nghiệp” dường như không đúng. Trong họ luôn có sự thôi thúc phải khám phá, phải dịch chuyển, phải tìm kiếm. Hơn thế nữa, người Mông luôn có xu hướng co cụm, cố kết. Nếu họ có 2 anh em ruột mà quá trình sinh sống, lấy vợ lưu lạc đi 2 tỉnh khác nhau thì sớm muộn họ cũng sẽ tìm cách về ở cùng nhau.
Có những người bị lừa, bị phủ dụ, bị nhầm tưởng trước những lời hứa có việc làm thu nhập tốt, có nhà cao, cửa rộng để bỏ đi mà cuối cùng thành ra đi... xuất cảnh trái phép lúc nào không hay. Ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chúng tôi đi một chặng dài tới những bản giáp biên để gặp gỡ những người đã từng xuất cảnh trái phép qua biên giới nhằm tìm kiếm việc làm, rồi phải sống những chuỗi ngày lưu lạc, lao động cực khổ, thậm chí, bị lừa phỉnh để làm những việc vi phạm pháp luật. Họ đã mưu trí, khôn khéo để thoát khỏi những cái bẫy, tự cứu mình và trở về. Chúng tôi muốn đi từ câu chuyện của cuộc đời họ, lên tiếng cảnh tỉnh để những người khác bỏ mộng di cư tự do để đổi đời.
Cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng được chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng giúp đỡ, bao bọc hiện tại chính là minh chứng cho chân lý không bao giờ sai: Cuộc sống hạnh phúc nhất là ở quê hương, trên đất của mình, có láng giềng tối lửa tắt đèn, có chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể bên cạnh. Chúng tôi ở bên trong nhà họ rất lâu, chứng kiến những cặp vợ chồng trở lại lao động giản dị chăm chỉ bên nương rẫy, vườn tược, chứng kiến những người cha chơi đùa với con, vợ nép bên vai chồng. Lúc đó, những cảm xúc thật khó tả, dường như được sẻ chia cả trong niềm hạnh phúc sum vầy đó. Và khi ra về, có những bà cụ người Mông chỉ biết được ít tiếng phổ thông nói với chúng tôi rằng: Bà chẳng cần gì cả, chỉ cần con trai bà trở về lành lặn, không đi đâu nữa, ở nhà thôi!

Trong những hành trình tìm bản chất của di cư tự do, chúng tôi có cơ hội đồng cảm với những cán bộ Biên phòng bám nắm địa bàn. Họ ở bên đồng bào, nhất cử nhất động đều biết. Nhưng cũng có lúc vừa hôm trước thấy vợ chồng con cái vẫn còn đi nương rẫy, ra chợ, hôm sau đã thấy vắng, vì đã bỏ đi từ đêm. Nhà họ thường chẳng có gì đáng giá, đã đi là bỏ lại tất cả, nhiều trường hợp không bán tài sản vì sợ bị phát hiện, bị giữ lại. Đối với những gia đình tất tay một lượt để đi tìm miền đất mới, thất bại rồi quay về là tay trắng. Địa phương lại cho xe đi đón rước. Cán bộ BĐBP lại cùng với địa phương giúp hộ gia đình tái hòa nhập cộng đồng, gom góp tặng cho họ từng cái cuốc, xẻng, hạt giống để người ra đi trở về có thể làm lại từ đầu.
Một lãnh đạo của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã từng chia sẻ chân thành với chúng tôi rằng, phải chăng chúng ta nên xem lại chế độ chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số? Ngoài việc cần phải làm giàu, cần nâng mức sống lên để dân không còn di cư nữa, liệu còn có lý do nào mà ta cần nhìn thẳng, cần làm cho hợp lý hơn? Nếu những người dứt áo ra đi bán hết tài sản, khi về, ta lại cấp tài sản thì họ có còn sợ di cư không?
Bao nhiêu câu hỏi còn chờ những chuyến đi của chúng tôi ở phía trước trả lời. Đồng bào dân tộc coi BĐBP là người nhà, vì vậy, chúng tôi cũng có lợi thế hơn đồng nghiệp các báo bạn khi tiếp cận các vấn đề đặc thù ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tâm sự với “người nhà” bao giờ cũng dễ nói hơn. Chúng tôi cũng dựa vào uy tín của cán bộ Biên phòng để gần gũi bà con, làm sao những phân tích, lập luận đã đăng tải trên báo phải chặt chẽ, thấu đáo và gần với sự thật nhất có thể, đồng thời, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Báo Biên phòng.
Hạnh phúc của nghề nghiệp là ở một bài báo nào đó, dù chỉ là bài phản ánh, chúng tôi cũng đã là cầu nối giữa đời sống của bà con với việc hoạch định chính sách, góp một tiếng nói vào chiến lược phát triển vùng biên cương của Đảng và Nhà nước ta.
Thúy Hằng