Biên phòng - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chiều 15-2, tại Thừa Thiên Huế.

Theo báo cáo của Hội đồng Vùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, dân số trên 6,5 triệu người. Vùng đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại. Trong vùng có 4 khu kinh tế đang phát triển trải dài trên 609 km bờ biển gồm: khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội, cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác lợi thế gần cảng, kho bãi quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống cảng tổng hợp quốc tế và các đầu mối giao thông liên vùng, xuyên quốc gia...
Để tạo đột phá phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, toàn vùng miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh, thành phố) nói chung, nhiều đại biểu kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu xây dựng Quy chế điều phối, liên kết Vùng duyên hải miền Trung. Là “mặt tiền” của Việt Nam hướng ra Biển Đông, các tỉnh miền Trung đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành trong thời gian tới khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, ngành quốc gia cần định hướng nội dung quy hoạch "Xây dựng thành phố biển" trong vùng, trong đó trước hết ưu tiên quy hoạch tuyến đường ven biển để có cơ sở bố trí quỹ đất. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, trong đó tập trung các dự án mang tính kết nối như nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Về phát triển sản phẩm du lịch, cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư bảo đảm đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 2 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: Chân Mây - Lăng Cô (kết nối vùng du lịch Nam miền Trung với vùng du lịch Bắc miền Trung), Cù lao Chàm (gắn với phố cổ Hội An).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của Hội đồng Vùng với tinh thần tạo điều kiện cho các tỉnh miền Trung phát triển. Đồng thời, yêu cầu các tỉnh miền Trung cần đổi mới tư duy, cách làm, vì nếu vẫn giữ cách tư duy cũ thì không phát triển được. Các tỉnh miền Trung phải tự phấn đấu vươn lên, tự lực, tự cường, đi trên đôi chân của mình để phát triển giàu mạnh trên cơ sở tiềm năng to lớn của mình về con người, di sản văn hóa, bờ biển đẹp và cơ sở vật chất to lớn mà Đảng, Nhà nước đầu tư cho các tỉnh.
“Tự lực, tự cường phải là định hướng phát triển của từng tỉnh, đặc biệt vùng miền Trung càng phải phấn đấu quyết liệt hơn. Cơ chế của khu vực là để phát triển từ nguồn lực của vùng chứ không phải chỉ là xin ngân sách Trung ương. Vì vậy lãnh đạo các tỉnh phải suy nghĩ vấn đề này. Bởi các tỉnh có điều kiện giống nhau nhưng sự phát triển không đồng đều” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, miền Trung phải đóng góp vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch của cả nước. Bởi miền Trung không chỉ có thế mạnh về du lịch mà càng cần phải có khu công nghiệp, đặc biệt là chế tạo, chế biến vì giá trị gia tăng cao. Mũi nhọn nữa với miền Trung là nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp phục vụ du lịch. Việc bảo vệ môi trường, trồng rừng, nhất là đầu nguồn, rất quan trọng ở khu vực này.
“Các tỉnh cần đẩy mạnh liên kết vùng, trước hết là liên kết về du lịch. Cần xây dựng, hoàn thiện đường ven biển để phát triển đô thị ven biển. Xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển các sân bay trong khu vực” - Thủ tướng yêu cầu.
Danh Anh