Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

Từ khuyến khích sang bắt buộc

Biên phòng - Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về thực hiện an toàn thực phẩm, trong 9 tháng năm 2022, cả nước có 99,5% cơ sở sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 97,6% mẫu giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm.

Hình ảnh minh họa.

Hiện, cả nước có 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 86.384 ha diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương.

Tuy nhiên, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đối diện nỗi lo dư lượng hóa chất. Thậm chí, thực phẩm bẩn, rau “đội lốt” nhãn mác VietGAP tuồn vào siêu thị đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính. Thế nên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.

Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, sản phẩm của sản xuất nông nghiệp tác động trực tiếp tới sức khỏe của bao nhiêu người, thậm chí cả một thế hệ. An toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, phải làm từng ngày, từng giờ và phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc, mà cần phải khép dần vào quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc.

Bộ NN&PTNT thừa nhận trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ khi nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún như hiện nay. Vì vậy, cần có cách tiếp cận khác, phải kiểm soát chặt từ khâu sản xuất.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất hiện chưa có tính tự giác trong sản xuất cũng như trong khâu chế biến. Nhà sản xuất còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà thấy rẻ là dùng, không nghĩ đến lợi hại về sau. Vùng sản xuất nhiều nhưng những nơi được cấp giấy chứng nhận về độ sạch còn hạn chế dẫn đến sản phẩm sạch và không sạch như nhau.

Để khắc phục những nhược điểm trên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng cần học hỏi các nước tiên tiến khi tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống nuôi trồng đến sơ chế chế biến lưu thông trên thị trường. Trong đó, kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hoá chất độc hại với môi trường... kiểm soát chặt chẽ khâu nhập và phân phối sản phẩm, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với tiêu chuẩn hoá quy trình trồng và canh tác cho từng loại hoa màu đã chọn lọc, cần giảm áp lực cho nhà sản xuất, chế biến, giảm chi phí cho việc duy trì giấy chứng nhận kiểu mẫu.

Khảo sát thực tế, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cao hơn 5 - 10% để mua thực phẩm sạch. Thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn ngày càng nhiều. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm hữu cơ thực sự, đã từng có sản phẩm xuất khẩu đến nhiều quốc gia khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu… thì lại vẫn than khó để sản phẩm được bán phổ biến tại thị trường nội địa.

Nguyên nhân bởi thực phẩm hữu cơ ở thị trường nội địa có giá thành quá cao so với thu nhập của số đông người tiêu dùng. Mặt khác, không ít người vẫn chưa đặt niềm tin vào sản phẩm mình bỏ tiền mua, bất kể doanh nghiệp có đầy đủ chứng nhận.

Nhưng lý do chính khiến thực phẩm sạch chưa thực sự lên ngôi là do người trực tiếp sản xuất thực phẩm sạch chưa được trả công xứng đáng nên thiếu động lực, và người tiêu dùng chưa có căn cứ, cơ sở đủ uy tín đứng ra chứng nhận thực phẩm an toàn nên chưa thể đặt trọn niềm tin.

Rõ ràng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm hoàn thiện những quy định, bộ qui tắc trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, hình thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO