Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn:

Tự hào những người thầy giáo mang quân hàm xanh

Biên phòng - Gần 10 năm nay, có một bài hát với âm điệu tươi vui, rộn rã, được các chiến sĩ Biên phòng yêu thích, hát vang trong nhiều hội thi, hội diễn và giao lưu văn nghệ của BĐBP tại địa bàn đóng quân..., đó là bài hát "Người thầy giáo mang quân hàm xanh" của nhạc sĩ Bùi Anh Tôn. Bài hát ngợi ca người lính Biên phòng nhiệt tình “cõng chữ” lên non xóa mù chữ, đưa ánh sáng văn hóa đến với các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, phóng viên báo Biên phòng có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Bùi Anh Tôn xung quanh ca khúc này cũng như công việc sáng tác của anh.

Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn nhận giải B Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2020, tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Thuận

- Thưa nhạc sĩ, bài hát "Người thầy giáo mang quân hàm xanh" của anh được sáng tác trong hoàn cảnh nào?

- Năm 2013, lúc chuẩn bị xuất bản tuyển tập ca khúc “Trái tim người thầy”, tôi nghĩ cần phải có nhiều bài hát viết về nhà giáo dưới các góc độ khác nhau. Tôi thấy có những người lính Biên phòng cũng đang làm công việc dạy học giống mình, dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Tôi nghĩ cần phải viết về họ. Thật may, lúc đó tôi đọc được một phóng sự xúc động viết về những người lính Biên phòng dạy xóa mù chữ cho con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa trên Báo Tuổi trẻ. Khi sáng tác bài hát này, tôi đã để bài báo ấy trước mặt. Những giai điệu của bài hát cứ vang lên trong tôi...

Điều thú vị là tôi viết đoạn điệp khúc trước, rồi sau đó mới quay lại viết đoạn đầu... Tôi vẫn còn nhớ, khi ấy tôi ôm đàn guitar, ngồi một mình trong phòng hát toáng lên câu: “Những người lính Biên phòng làm thầy giáo giữa gió núi mây ngàn, dạy nét chữ dáng ngay, dạy từng trang sách với bao điều hay...”. Tôi cảm giác như mình đang đứng ở trên đỉnh núi, xung quanh là bạt ngàn cây rừng... Cảm giác ấy thật “đã”.

- Nhạc sĩ muốn gửi gắm điều gì qua bài hát này?

- Ở nơi núi cao quanh năm mây mù bao phủ, rừng biên cương bạt ngàn mênh mông, các thầy giáo quân hàm xanh đã mang cái chữ đến với bản làng. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên nơi biên giới, các anh vẫn không quên cùng các em nhỏ dệt nên những ước mơ thật đẹp của tuổi thơ. Người lính Biên phòng đã làm được những điều kỳ diệu, để lại biết bao tình cảm gắn bó với đồng bào dân tộc ở các thôn bản biên giới, được các em học sinh hết mực kính trọng và dành cho những tình cảm dạt dào yêu thương.

- Nhiều người đã nghe và yêu thích bài hát “Người thầy giáo mang quân hàm xanh” nhưng vẫn biết rất ít về nhạc sĩ sáng tác bài hát này?

- Tôi từng làm công tác văn hóa, văn nghệ tại Cục Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên. Năm 1985, sau khi xuất ngũ, tôi về làm công tác giảng dạy và hoạt động âm nhạc trong ngành giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, tôi làm công tác giảng dạy tại Khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tôi vẫn tham gia giảng dạy, thỉnh giảng các lớp sư phạm âm nhạc tại cơ sở 2 của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đào tạo đội ngũ các giáo viên âm nhạc cho các tỉnh phía Nam.

- Nhạc sĩ có ấn tượng thế nào về những người lính Biên phòng dạy xóa mù chữ nơi vùng cao, biên giới?

- Là một thầy giáo, tôi cảm nhận được sâu sắc những công việc của họ đang làm. Xét dưới một góc độ nào đó, họ cũng là những đồng nghiệp của tôi. Vậy nên, tôi viết về những thầy giáo mang quân hàm xanh tự nhiên như nói về những đồng nghiệp, bạn bè thân thiết của mình. Hơn nữa, tôi cũng đã từng là một người lính nên cảm thấy rất gần gũi, thân thiết khi viết về họ - những đồng đội của tôi.

- Người lính Biên phòng không chỉ chắc tay súng gìn giữ bình yên biên giới mà còn giúp dân phát triển kinh tế, dạy xóa mù chữ cho người dân... Nhạc sĩ có suy nghĩ gì về việc dạy xóa mù chữ của người lính Biên phòng nơi biên giới, hải đảo?

- Cùng với yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc trong thời kỳ mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai thực hiện nhiều việc làm thiết thực và có ý nghĩa trong những năm qua. Xóa mù chữ cho người dân nơi biên giới là một công việc mà người lính Biên phòng làm rất tốt, rất hiệu quả. Có những nơi quá khó khăn, hiểm trở và thậm chí nguy hiểm các thầy, cô giáo không tới dạy học được thì những người lính Biên phòng vẫn có mặt. Điều đó chứng tỏ những người lính Biên phòng đã vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ để đem cái chữ đến cho con em và đồng bào các dân tộc nơi vùng sâu, biên giới.

Đã có rất nhiều tấm gương thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương, khen thưởng về thành tích trong công tác giáo dục, xóa mù chữ. Đặc biệt, năm 2017, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Thanh niên Quân đội và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, trong đó, tuyên dương 60 cán bộ, chiến sĩ BĐBP tại 44 tỉnh, thành phố đã có nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Qua các phương tiện truyền thông đã cho thấy, hình ảnh của người lính quân hàm xanh đến với công việc dạy xóa mù chữ thật đáng khâm phục và tự hào!

- Thời gian qua, những người lính Biên phòng đã không quản vất vả cắm chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới và hình ảnh của họ đã được khắc họa trong sáng tác mới của nhạc sĩ?

- Trong tháng 9-2021, khi tham dự Trại sáng tác âm nhạc toàn quân do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức, tôi đã có sáng tác mới viết về BĐBP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 mang tên “Nhớ anh nơi tuyến đầu”. Bài hát nói về tình cảm của những người ở hậu phương dành cho những người lính Biên phòng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 đang ngày đêm căng mình trực chốt, thực hiện nhiệm vụ trên biên giới, phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thanh Thuận (thực hiện)

Bình luận

ZALO