Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 06:29 GMT+7

Tự hào Lũng Pô

Biên phòng - Lũng Pô là tên con suối bắt nguồn từ dãy núi cao Nhìu Cồ San của huyện Bát Xát, Lào Cai chảy xuống tạo thành ranh giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trước khi chảy vào sông Hồng.

35wi_6a
Cột cờ Lũng Pô - công trình của thanh niên tỉnh Lào Cai. Ảnh: Xuân Hương

Leo hết 125 bậc thang, chúng tôi lên tới đỉnh cột cờ Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Giữa khoảng trời bao la, lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió. Đứng ở vị trí này, phóng tầm mắt nhìn ra xa là cả một vùng bạt ngàn xanh, khung cảnh ngã ba sông -  nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt đẹp như trong tranh. Ở điểm giao này, nước có hai màu. Màu xanh là của con suối Lũng Pô. Còn dòng nước thẳng màu đỏ là của con sông Hồng từ phía Bắc chảy xuống. Trên lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ suối Lũng Pô, sông Hồng chảy qua 9 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi hòa ra biển ở cửa sông Ba Lạt, kết thúc hành trình hơn 500km trên đất Việt.

Cột cờ Lũng Pô được khởi công xây dựng từ ngày 26-3-2016. Đây là công trình của thanh niên tỉnh Lào Cai. Cột cờ được xây dựng trước trụ sở Tổ công tác của Đồn BP A Mú Sung. Hơn 12 tỉ đồng xây dựng công trình hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Thượng úy Nguyễn Tiến Công, cán bộ Đồn BP A Mú Sung, đồng hành cùng chúng tôi ra biên giới cho biết: "Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2 thuộc địa giới thôn Lũng Pô 1. Tổng chiều cao toàn bộ cột cờ là 41m, trong đó, phần thân công trình, từ chân đế lên tới đỉnh là 31,43m, tượng trưng độ cao của đỉnh núi Phan Si Păng (3.143m). Cột cờ treo lá cờ Tổ quốc rộng 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc của tỉnh Lào Cai". Hiện tại, công trình Cột cờ Lũng Pô đã hoàn thành giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được triển khai với các hạng mục như: Bê tông hóa đường vào, xây dựng sân đỗ xe, sân chào cờ, làm kè đá...

Thượng úy Nguyễn Tiến Công còn giới thiệu với chúng tôi về đường biên, mốc giới ở mảnh đất đặc biệt này: "Trước mắt chúng ta là ngã ba sông biên giới. Ở đây có 3 cột mốc gồm, mốc số 92 (1) do Việt Nam quản lý. Ở mỏm nhô ra kia là mốc 92 (2) do Trung Quốc quản lý và ở phía đối diện xa xa là mốc 92 (3) cũng do Trung Quốc quản lý. Đường biên giới được chia theo ngấn nước sâu nhất". Theo hướng tay chỉ của Thượng úy Công, khái niệm về biên giới lãnh thổ thật dễ hiểu.

Chúng tôi cuốc bộ từ chân cột cờ Lũng Pô tới cột mốc 92 (1) do Việt Nam quản lý. Mốc được dựng hướng nhìn ra ngã ba sông. Cột mốc này là điểm dừng chân của khá nhiều du khách và phượt thủ khi khám phá huyện biên giới Bát Xát. Chúng tôi gặp một nhóm thanh niên vượt hơn 300km từ Thủ đô Hà Nội lên đây với những chiếc máy ảnh khủng. Chàng trai trẻ tên Nam chia sẻ, đích đến của cả nhóm chúng em là Y Tý với những mái nhà trình tường rêu phong độc đáo của người Hà Nhì, với sông mây ngang trời nhưng không thể không dừng ở nơi bắt đầu của con sông Hồng chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

"Nếu làm phép so sánh thì cột cờ Lũng Pô không bề thế bằng cột cờ Lũng Cú, nhưng mỗi cột cờ có giá trị và ý nghĩa riêng. Cột mốc 92 này cũng vậy, vị trí của nó thật đặc biệt đối với mỗi con dân nước Việt. Nó là điểm đánh dấu sông Hồng chảy vào đất Việt để hình thành nên cả một nền văn minh sông Hồng. Tôi luôn cảm thấy tự hào khi đứng chào Tổ quốc mình ở đây".

2fn5_6b
Cột mốc số 92 (1) nhìn ra ngã ba sông. Ảnh: Xuân Hương

Nhìn màu xanh trù phú của Lũng Pô bây giờ khó ai có thể hình dung, trước đây, nơi này là vùng đất hoang vu, khô cằn. Sự đổi thay của vùng đất này khởi nguồn từ ý chí của một lão nông người Mông, quê ở thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. Cuộc sống ở quê quá nghèo đói, vì thiếu nước, thiếu đất sản xuất, năm 2006, ông Ma Seo Páo sang A Mú Sung tìm đất để an cư lạc nghiệp. Ông tới Lũng Pô bắt đầu công cuộc khai khẩn, cắt dọn lau sậy, gieo màu xanh trên những mảnh đất sỏi đá. Theo ông, các hộ dân ở Ngải Thầu cùng chuyển sang khai phá vùng đất hoang vu, thành lập thôn Lũng Pô 2. Họ trồng ngô, chuối, dứa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, Lũng Pô 2 đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa gắn với an ninh - quốc phòng. Học theo người dân thôn Lũng Pô 2, dân bản địa ở Lũng Pô 1 cũng trồng chuối, dứa để phát triển kinh tế.

Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự tôn vinh những người con đã hy sinh xương máu và công sức của bà con các dân tộc đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ vùng biên ải này. Với công trình này, Lũng Pô mong muốn sẽ có nhiều khách du lịch đến thăm để họ cảm nhận được vẻ đẹp, tấm lòng mến khách và khí phách anh hùng của đất và người nơi đây.

Trong thành công của Lũng Pô 2 có sự góp sức không nhỏ của những người lính Biên phòng A Mú Sung. Chính các anh là điểm tựa ban đầu cho bà con khi chân ướt chân ráo về Lũng Pô lập nghiệp. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Mú Sung cùng các lực lượng khác và chính quyền địa phương giúp những hộ dân đầu tiên xây dựng nhà để ở. Ổn định được chỗ ở, các anh tính tới chuyện giúp dân phát triển kinh tế. Một vài hộ dân được chọn làm điểm để rồi nhân rộng mô hình ra toàn bản.

Hộ được chọn đầu tiên không ai khác chính là gia đình ông Páo. Thay vì trồng ngô, lúa năng suất thấp, cán bộ Biên phòng phối hợp với cán bộ khuyến nông của huyện đưa giống dứa, chuối lên vùng đất khô cằn này. Không ngờ cây chuối, dứa lại hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Vậy là mô hình trồng dứa, chuối được nhân ra cả bản, tạo thành vùng chuyên canh tập trung. Dù có nhiều biến động về giá, nhưng cây chuối, dứa vẫn ở vùng đất này được coi là cây làm giàu của người dân Lũng Pô.

Quay trở về Đồn BP A Mú Sung, chúng tôi thêm ngỡ ngàng trước tâm huyết, công sức của những người lính Biên phòng. Cảnh quan của đồn xanh, sạch và đẹp như một khu nghỉ dưỡng. Chúng tôi chợt bắt gặp bóng dáng của một cháu bé người dân tộc thiểu số. Hỏi ra mới biết, những người lính A Mú Sung đang từng lặng lẽ ươm những mầm non của vùng biên này qua Chương trình "Nâng bước em tới trường". Đơn vị đã đưa 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về nuôi dưỡng tại doanh trại. Các cháu sẽ được chăm sóc cho tới khi học hết lớp 12. Đây là "của để dành" của những người lính Biên phòng A Mú Sung cho tương lai.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO