Biên phòng - Mặc dù kinh tế số của Việt Nam được đánh giá tăng trưởng và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn diễn ra khá chậm chạp do nhiều nguyên nhân.
Qua khảo sát 600 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước), phần lớn mới “hiểu” khái niệm, chứ để thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số còn là quá trình dài.
Điều này đồng nghĩa với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)..., để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất trong chuyển đổi số ở Việt Nam là trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế do thiếu tư duy, kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, thiếu nền tảng công nghệ thông tin và nhân lực. Đáng lo ngại là 80% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là công nghệ trước năm 2000.
Thế nên các doanh nghiệp dù rất muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, giảm bớt các chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, song hạn chế về kinh nghiệm, nhân lực để vận hành nền tảng công nghệ số mới, nên chưa sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ nhận ra vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ đứng ngoài cuộc chơi vì không thể tiếp cận được thị trường mới.
Hiện, 72% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường - bước nhảy vọt so với tỷ lệ 32% của năm 2019.
Tất nhiên, việc chuyển đổi của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều trở ngại do thiếu các công nghệ thiết yếu và dữ liệu hoạt động, nhất là nguồn lực đầu tư hạn chế, trong khi các giải pháp công nghệ rất đắt đỏ. Mặt khác, những nỗ lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi số chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi bộ máy quản lý nhà nước có sự chuyển đổi đồng bộ.
Chính vì thế, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 6-2020 đang thực sự là “cú huých” cho doanh nghiệp số phát triển mạnh mẽ.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các nhóm giải pháp từ hoàn thiện cơ chế chính sách, kiến tạo môi trường phát triển, đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số; tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số; đến đổi mới mô hình phát triển nhân lực và phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số...
Với những mục tiêu rất cụ thể như: Đến năm 2025, chúng ta có 70 nghìn doanh nghiệp công nghệ số với 1,2 triệu nhân lực trong lĩnh vực này. Kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%...
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhiều chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi số không chỉ dựa vào công nghệ mà yếu tố quan trọng nhất đem đến sự chuyển dịch lớn của các doanh nghiệp, tổ chức là đổi mới tư duy và hành động, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để Việt Nam tận dụng được những thế mạnh và tạo bứt phá trong việc chuyển đổi nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chỉ khi cả cộng đồng doanh nghiệp cùng quyết tâm đưa chuyển đổi số vào chiến lược kinh doanh, thì lúc đó trụ cột kinh tế số mới có thể phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với những thể chế vượt trội để các doanh nghiệp bước vững chắc trong xu thế toàn cầu này.
Thanh Thảo