Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Từ Cà Mau nhìn non sông liền một dải

Biên phòng - Đứng trên đỉnh Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, công trình mới khánh thành ở mảnh đất chót cùng Đất Mũi nhìn ra xung quanh một vùng xanh tít tắp trải dài qua thênh thang góc bể, chân trời. Trùng trùng lớp lớp những vạt rừng đước, những vuông nuôi trồng thủy sản, những mái nhà loang nắng chiều của người dân ấp Mũi khiến du khách đường xa lòng tự hào, xúc động khôn tả.

Mốc Đường Hồ Chí Minh km2436 tại Đất Mũi. Ảnh: TTH

Trong tâm thức của người Việt Nam, những điểm cực, mốc quốc giới, biển đảo, đường biên giới vẽ hình hài Tổ quốc luôn có một ý nghĩa thiêng liêng. Trên hình hài đó, Cà Mau là mảnh đất chót cùng xuống phía Nam có mũi đất hình con thuyền rẽ sóng, bên trái là Biển Đông, bên phải là Biển Tây. Đất Mũi cũng là nơi được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia GPS0001, điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên đất liền.

Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có diện tích phần lớn là rừng ngập mặn hình thành bởi chế độ bán nhật triều và nhật triều giữa 2 dòng hải lưu Bắc - Nam và Tây - Nam. Vì vậy, tuy cùng tiếp giáp với bờ biển, ở 2 cực Bắc và Nam, biển Trà Cổ ở phía Bắc có rừng dương gió cát, còn biển Đất Mũi ở phía Nam lại bồi lắng thành bãi triều ngập mặn, tạo nên một khu vực đất ngập nước rộng lớn (khu ramsar). Cảnh quan, văn hóa nội lực 2 miền cũng khác biệt hoàn toàn là tiềm năng để mỗi nơi xây dựng một mô hình du lịch khác nhau.

Năm 2021 là năm đánh dấu xã Đất Mũi được công nhận đô thị loại V trực thuộc tỉnh Cà Mau, với dân số khoảng 13 ngàn người trên diện tích 93,34km2. Những năm trước đây, không ai nghĩ có thể ra đến đầu Đất Mũi bằng đường bộ. Bởi cả một vùng rộng lớn sình lầy, sụt lún khiến chi phí xây dựng đường bê tông, cầu cống cố định đường, gia cố nền là quá lớn. Nhiều thế hệ người Cà Mau chỉ biết tới tuyến tàu sông và cầu khỉ, cầu tạm băng qua kênh rạch. Họ làm nhà cư trú đua ra mặt nước đặng còn tiện đón ghe tàu xuôi ngược chứ không dám mơ đến việc phóng xe gắn máy ra tận Đất Mũi để đón 2 luồng gió biển Đông - Tây.

Trạm Kiểm soát Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Đất Mũi trên cửa biển Kinh Đào, Đất Mũi, Cà Mau trong ráng chiều. Ảnh: TTH

Vậy mà về Cà Mau mùa Xuân này, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đã được hình thành, cảnh quan được cải tạo tôn lên vẻ đẹp huy hoàng của thiên nhiên. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau đã khánh thành như trái tim của Tổ quốc hiện diện nơi tận cùng đất nước. Leo thang bộ lên bậc cao nhất của Cột cờ, có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh rừng ngập mặn Cà Mau, một phần Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, phía xa là cụm đảo Hòn Khoai mờ ảo trên biển cả. Tại đây còn có thể nhìn thấy toàn bộ công trình đê kè chắn sóng uốn lượn ngay mũi đất chia bờ biển Đông - Tây. Một vị trí có thể thấy cả bình minh và hoàng hôn phủ ánh nắng đầu ngày và cuối ngày xuống dải rừng đước xanh ngọc bích phía dưới. Công trình Cột cờ Cà Mau có tổng diện tích hơn 16 ngàn m2 và cao 45m, kiến trúc giống với Cột cờ tại Hà Nội.

Tiểu cảnh con thuyền Cà Mau di dời ra điểm tham quan sát bờ biển để phù hợp với quần thể khu du lịch. Đền thờ Lạc Long Quân nơi Đất Mũi linh thiêng bên cạnh tượng đài Mẹ Âu Cơ. Các con đường tham quan dành cho khách du lịch xuyên qua rừng đước được bê tông hóa dạng cầu. Tức là ở trên người đi mà ở dưới cầu, mầm đước nhỏ vẫn đang nhú lên, cá thòi lòi nhảy lách tách. Dạo bước trên con đường tận cùng đất nước như đang đi trong lời hát trữ tình của Bài ca Đất phương Nam: Thuyền ai xuôi phương Nam/ Biển xôn xao gió lộng tứ bề.

Sĩ quan BĐBP rất trẻ, Thiếu úy Nguyễn Thanh Sao cùng đội tuần tra Đồn Biên phòng Đất Mũi, BĐBP Cà Mau thực hiện phiên tuần tra qua rừng đước và đi dọc bờ biển phía Tây sang phía Đông. Chúng tôi bước theo anh qua những con đường trải bê tông sạch sẽ, tươm tất của Công viên văn hóa, du lịch Mũi Cà Mau. Mùa này, nơi đây vắng khách du lịch và người dân cũng ít đi lại vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ có bóng những người lính lẫn vào màu xanh rừng đước cổ thụ thực hiện nhiệm vụ thường ngày.

Thiếu úy Sao nói với tôi như tâm tình: “Hãy đến với Đất Mũi để biết vì sao nơi đây được gọi là miền “đất biết sinh và rừng biết đi””. Bởi vì sự bồi lắng luôn còn tiếp diễn, đất bồi đến đâu, mầm đước trôi theo phù sa mọc lên đến đó. Rừng sinh sôi và đất bồi lắng thêm.

Nguyễn Thanh Sao xuất thân từ miền quê phía Bắc. Anh nói, niềm tự hào, vui sướng nhất trong đời lính của mình là anh được đóng quân ở Đất Mũi, tại điểm cực Nam đất liền của Tổ quốc, nơi mà còn rất nhiều người dân Việt Nam muốn đặt chân đến đây nhưng chưa có dịp.

Ngay trong cụm các công trình khu du lịch có tượng đài Cột mốc Đường Hồ Chí Minh, điểm cuối Cà Mau km2436. Đây là công trình đánh dấu điểm chốt cuối cùng trên đường Hồ Chí Minh mà điểm đầu từ km0 tại Pắc Bó, Cao Bằng. Núi sông đã liền một dải là giây phút con đường huyết mạch là Quốc lộ 1 và con đường huyền thoại Hồ Chí Minh từ Bắc chí Nam không còn trở ngại nào. Đường mới thênh thang, chấm hết cách trở đò giang khiến tâm lý khách đường xa cũng bỏ xuống ngại ngùng. Cà Mau gần lại. Hành trình của con đường đi qua 28 tỉnh, thành phố với tổng cộng 3.183km, qua nhiều miền văn hóa khác nhau, hình thái khí hậu khác nhau chứa đựng tiềm năng phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Điều đặc biệt mà khách du lịch có thể trải nghiệm ở Đất Mũi là tìm hiểm về nghề săn cua, cá thòi lòi… - đặc sản của vùng bãi triều ngập mặn. Thanh niên ấp Mũi ai nấy đen trũi, sạm nắng, chỉ sải vài bước là băng qua mấy cây cầu khỉ, cầu dừa, dầm mình trong sình lầy bắt cua.

Trong quá trình xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, địa phương đã gom nhiều hộ dân cư sinh sống rải rác trong lòng rừng về lập các mô hình làng du lịch. Ở những cửa sông đất lở khác, cư dân cũng được di dời về đây. Người Cà Mau bắt đầu quen thuộc với du lịch cộng đồng, khai thác thế mạnh của từng người, của cộng đồng để làm giàu. Dù trải qua nhiều biến động di dời, nhưng nhà ở của họ vẫn theo cách cũ. Vẫn là những ngôi nhà chân cao đề phòng nước lên và tránh việc sụt lún nền. Đặc biệt nhất là nhà ai cũng không làm cửa. Gió thông thống từ trước ra sau không phòng trộm đạo. Đất Mũi thưa vắng mà ấm áp, yên bình.

Những người lính Biên phòng đi tuần tra, màu áo lẫn trong rừng đước Cà Mau. Ảnh: TTH

Người dân Ấp Mũi giờ đây hằng ngày chỉ lo vun vén đắp đổi cho nhà cửa khang trang hơn, thay đổi nếp nghĩ tuềnh toàng đã cũ. Dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa rừng đước, đời sống sông nước phát triển rất tự nhiên. Nếu may mắn, khách du lịch tìm được những mái nhà dạng homestay còn có thể đi mò cua, bắt cá thòi lòi, thưởng thức lẩu bần cá lóc nấu chua và nghe đờn ca tài tử, hoặc là nghe Bài ca Đất phương Nam. Khách đi trong mênh mông rừng tràm, thuyền ai xuôi phương Nam với người dân địa phương thân thiện, tình cảm, thấy cảm giác như thể về lại quê nhà chứ không còn lạ lẫm như đang trên đất khách.

Cà Mau là nhà, mái nhà xanh màu thiên nhiên ở phương Nam.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO