Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Truyền thông với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc

Biên phòng - Ngày 18-11, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tọa đàm với chủ đề “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Tọa đàm góp phần làm sâu sắc hơn vai trò, sự đóng góp của truyền thông với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

y1d0_23a
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Ảnh: Thanh Thuận

“Sức mạnh” của truyền thông 

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác truyền thông với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua. Đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: “Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tập trung tuyên truyền đậm nét vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc dưới nhiều hình thức, giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa thế giới, đồng thời phản ánh chân thực, sinh động những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đồng thời, báo chí cũng đã tham gia phản biện kịp thời về những chính sách, những hạn chế, bất cập trong quản lý di sản văn hóa giúp các địa phương cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khắc phục khiếm khuyết. Truyền thông đã và đang đóng góp quan trọng cho sự bảo tồn giữ gìn văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa trong đời sống xã hội”.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhờ có truyền thông, nhiều di sản của Việt Nam được bạn bè trên thế giới biết tới nhiều hơn. Từ đó, ngày càng có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Cũng nhờ truyền thông, nhiều bất cập, lỗ hổng trong quản lý về di sản được phản ánh để tìm hướng tháo gỡ.

Nói về vấn đề này, nhà báo Phạm Vũ Dũng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho rằng, truyền thông đã cho thấy sức mạnh vượt trội trong thông tin, tuyên truyền và quảng bá về văn hóa. Cùng với đó, truyền thông cũng phản ánh chân thực các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống. 

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông

Trước thực trạng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa hiện nay cũng còn nhiều vấn đề như xâm hại di tích, “chảy máu” di sản, một số nét đẹp truyền thống dân tộc bị mai một..., nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, việc kết hợp được thế mạnh của truyền thông trong hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa là biện pháp hữu hiệu thu hút sự quan tâm của cộng đồng với di sản văn hóa, bảo vệ di sản trước thách thức của quá trình hội nhập...

Đề cao trách nhiệm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là vấn đề bảo tồn chữ viết của các dân tộc, ông Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, cần có thêm nhiều tài liệu song ngữ, tuyên truyền, phổ biến thêm nhiều cuộc thi về chữ viết các dân tộc để duy trì, bảo tồn chữ viết dân tộc; đồng thời, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc biểu dương các nghệ nhân, các già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để nhân dân có cái nhìn đa chiều, phong phú về những truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tạo sự đoàn kết, chung tay trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

txl6_23b
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Thuận

Quan tâm đến công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung tuyên truyền về chủ đề này một cách đa dạng, phong phú và sinh động hơn; mạng xã hội là một phần thiết yếu cho các chiến dịch về truyền thông. Do đó, cần có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, văn hóa của người dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ để thay đổi hành vi, nhận thức, thái độ ứng xử với di sản văn hóa.

Theo ông Phạm Vũ Dũng: “Quan niệm về di sản văn hóa như thế nào hoàn toàn không mới, nhưng mỗi lĩnh vực, địa phương hiểu khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền để việc hiểu về di sản văn hóa ở tất cả các diễn đàn có những kiến thức chung, cơ bản”. 

Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa cho rằng, các nhà báo cần được cung cấp thông tin chính thống và có sự định hướng cụ thể, chính xác. Bên cạnh đó, cần có lớp tập huấn về di sản chuyên sâu cho các nhà báo, từ đó nâng cao chất lượng trong từng bài viết, tạo sự thu hút, lôi cuốn bạn đọc đến với những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO