Biên phòng - Đêm tháng 3, năm 1985, trời khuya lạnh thấu xương, bản làng chìm trong giấc ngủ. Đội công tác của Đồn Biên phòng (BP) Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An (nay là Đồn BP cửa khẩu Nậm Cắn) tuần tra, làm nhiệm vụ đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam. Qua khai thác nhanh, các trinh sát nhận định, đối tượng có dấu hiệu của một “mắt xích” trong đường dây gián điệp biệt kích mà Mỹ để lại.

Tại Đồn BP Nậm Cắn, đối tượng bị bắt khai tên là Nông Ngọc P, quê ở Lạng Sơn, đi bộ đội năm 1970, chiến đấu ở mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Năm 1971, bị địch bắt, P đầu hàng và được một thiếu tá, cố vấn tình báo Mỹ tên là Joah huấn luyện gián điệp, đưa về hoạt động ở phía Nam tỉnh Sa-vẳn-na-khệt. Cuối năm 1972, P được địch đưa đi tập huấn theo kế hoạch hậu chiến 3 tháng. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết, P được địch đưa trở lại miền Bắc nước ta theo con đường trao trả tù binh. Sau khi được Nhà nước và Quân đội cho an dưỡng, P phục viên về quê. Do sợ bị phát giác thân phận, P đã bí mật đến tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) xin chuyển ngành và làm việc tại một bưu điện một huyện miền núi của tỉnh.
Lấy lời khai ban đầu, Đồn BP Nậm Cắn nhanh chóng lập hồ sơ và bàn giao đối tượng cho Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh BĐBP. Nghiên cứu kỹ lời khai của P, lãnh đạo Cục Trinh sát và Bộ Tư lệnh BĐBP nhận định, đây là hoạt động gián điệp từ nội địa Việt Nam qua trục Đường 7, sang tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), nằm trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ cài lại, cần phải lập chuyên án đấu tranh, làm rõ. Chuyên án NC58 đã được BĐBP xác lập.
Sau một thời gian tung trinh sát xuống các địa bàn để điều tra, Ban Chuyên án đã có một số kết quả. Người dẫn đường cho P qua biên giới được xác định là Hờ Nỏ N, dân tộc Mông, ở bản Tiền Tiêu, làm nương rẫy, nhưng thường xuyên xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới buôn bán hàng cấm (lúc bấy giờ là mỳ chính, dép tông Thái Lan, thuốc lá Lào)... Để có được thông tin của đối tượng Hờ Nỏ N, các trinh sát đã tiếp cận với một đối tượng người dân tộc Mông, tên là Cự Sua P, ở bản Tiền Tiêu, nhà ở gần với Hờ Nỏ N. Mới đây, P đã bị Trạm Kiểm soát BP Nậm Cắn bắt và tạm giữ một số hàng lậu mang từ Lào về.
Cuối tháng 6/1985, Đồn trưởng Đồn BP Nậm Cắn cùng hai cán bộ đi thăm một số gia đình người Mông ở bản Tiền Tiêu và có ghé thăm nhà của Cự Sua P. Đồn trưởng chúc mừng gia đình, nhân dịp con gái lớn của Cự Sua P được cử đi dự trại hè thiếu nhi của tỉnh, vì đạt thành tích tốt trong học tập. Tuy nhiên, vì gia đình đang rất khó khăn về kinh tế, Cự Sua P nói là con gái không đi dự trại hè được. Đồn trưởng Tân đã trấn an và quyết định hỗ trợ gia đình cho cháu đi dự trại hè. Ngay ngày hôm sau, tổ công tác địa bàn đã đến nhà Cự Sua P trao cho gia đình gạo và tiền theo đúng lời hứa của Đồn trưởng Tân. Khi con gái Cự Sua P đi dự trại hè, Đồn trưởng Tân lại đến thăm nhà P lần nữa.
Trong suốt mấy tháng Cự Sua P đã được các cán bộ Biên phòng cảm hóa, khiến P thực sự tin tưởng, coi các anh như người thân, có việc gì quan trọng đều lên hỏi ý kiến và báo tin. Đêm ngày 7/12/1985, Đồn trưởng Tân nhân được tin báo: Tại nhà của Hờ Nỏ N đang có một người lạ mặt. Ngay lập tức, Ban Chuyên án đã hội ý và triển khai kế hoạch. Ngày 8/12/1985, tổ mai phục của Đồn BP Nậm Cắn bắt được một người xuất cảnh trái phép. Khám hành lý của đối tượng, cán bộ BP thu được 100 viên đạn súng AK, 30 viên đạn súng đại liên. Đối tượng này được xác định là Lầu Nhia L, dân tộc Mông, trú tại bản Phà Vén, đến nhà Hờ Nỏ N để lấy tin tức và đạn để chuyển về cho tên Lầu Bá D ở thị trấn Noọng Hét.
Sau khi có đầy đủ bằng chứng và lời khai từ Lầu Nhia L, các trinh sát đã sử dụng nghiệp vụ đưa Hờ Nỏ N lên cơ quan điều tra. Trinh sát cố ý cho Hờ Nỏ N nhìn thấy Lầu Nhia L đang bị tạm giam trong đơn vị, lập tức gương mặt hắn tái đi. Do bị mất bình tĩnh, nên khi bị xét hỏi, Hờ Nỏ N đã khai nhận: Cuối năm 1971, N quen một người tên là Bul Thăn ở thị trấn Noọng Hét, thi thoảng có sang đó cùng Bul Thăn đi uống rượu và mua hàng. Sau nhiều lần, Bul Thăn bảo Hờ Nỏ N mua các loại đạn quân dụng như đạn AK, đại liên... mang sang Lào, hắn sẽ mua lại với giá rất cao.
Cũng theo lời khai của Lầu Nhia L, từ năm 1980, Bul Thăn giới thiệu Lầu Bá D với Lầu Nhia N và dặn từ nay, các thứ từ Hờ Nỏ N chuyển đến thì chuyển tiếp cho Lầu Bá D, còn Lầu Nhia L không gặp Bul Thăn nữa. Ban Chuyên án nhận định: Bul Thăn là một đầu mối quan trọng nhất của chuyên án, muốn vạch mặt được Bul Thăn phải tiếp cận được Lầu Bá D. Tháng 3/1986, trinh sát nhận tin Lầu Nhia L và Lầu Bá D sẽ hẹn gặp nhau tại nhà của Hờ Nỏ N vào một ngày gần nhất. Sáng ngày 14/4/1986, khi Lầu Bá D đi qua Trạm Kiểm soát BP Nậm Cắn, bất ngờ bị lực lượng BĐBP bắt giữ về hoạt động gián điệp. Số tài liệu y mang theo được phát hiện khâu trong gấu áo.
Ngày 18/4/1986, Ban Chuyên án đã làm việc với Ban Giám đốc Công an tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tại Đồn BP Nậm Cắn. Tại đây, Ban Chuyên án đã thông báo cho Bạn về hoạt động của Bul Thăn. Ngày 14/5/1986, Ban Giám đốc Công an tỉnh Xiêng Khoảng đã thông báo cho Ban Chuyên án biết đã bắt được Bul Thăn, khi y đang trú tại bản Ban. Bul Thăn đã khai nhận: Làm gián điệp cho Mỹ từ trước khi ký Hiệp định Pa-ri, với nhiệm vụ nhận tin tức từ nội địa Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài. Sau này, hắn được giao thêm nhiệm vụ mới là điều tra nắm tình hình xuất nhập cảnh và quá cảnh từ Việt Nam sang Lào trên trục Đường 7; nắm tình hình Đồn BP Nậm Cắn và móc nối vào nội địa Việt Nam mua súng, đạn quân dụng, chuyển qua biên giới trang bị cho tổ chức phỉ ở Mường Mộc.
Chuyên án NC58 do Đồn Biên phòng Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An, Cục Trinh sát BĐBP bóc gỡ là một trong những vụ án điển hình về công tác điều tra của trinh sát Biên phòng. Từ đối tượng bị bắt giữ, bằng các biện pháp nghiệp vụ tinh thông, các trinh sát đã điều tra, truy bắt được ổ gián điệp biệt kích mà Mỹ để lại. Chiến công này khẳng định vai trò, tầm quan trọng của BĐBP trong đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu hoạt động của bọn phản động, giữ ổn định an ninh quốc gia ở khu vực biên giới, không để bị động, bất ngờ.
Hoàng Vân