Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 05:14 GMT+7

Trường tồn giá trị di sản Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Biên phòng - Được ví như nơi chưng cất giá trị văn hóa, bia Ma nhai tại Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) là di sản đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đi cùng với niềm tự hào sở hữu những giá trị văn hóa vượt thời gian của di sản này, thành phố Đà Nẵng sẽ có những biện pháp tích cực để phát huy giá trị cũng như bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu Ma nhai thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Trúc Hà

Giải mã bia Ma nhai

“Ma” là mài giũa, “nhai” là vách núi. Như vậy, Ma nhai là một loại hình văn khắc được khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên sau khi đã gia công mài giũa bề mặt phiến đá. Có thể thấy, đây là loại hình độc đáo, gần như rất hiếm ở Việt Nam và trong danh mục Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng không có nhiều. Đó cũng là điểm nhấn để thể hiện “tính độc đáo, hiếm có” của di sản. Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được đánh giá là kho tàng tư liệu quý giá với 78 bia Ma nhai bằng chữ Hán, Nôm.

Nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá của hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu từ trước đến nay đặc biệt quan tâm. Theo giới chuyên môn, bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân thực và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản - Trung Quốc - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như: Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…

Điều đặc biệt, bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên… Đây cũng là bia Ma nhai còn nguyên vẹn, tinh xảo, ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là hệ giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa. Không chỉ có các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử đến Ngũ Hành Sơn để tìm hiểu về giá trị của bia Ma nhai, từ lâu đã thu hút sự chú ý của du khách. Chị Nguyễn Hoài Phương (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Ngũ Hành Sơn và biết đến bia Ma nhai. Tuy không hiểu hết được giá trị của di sản này, nhưng tôi cũng cảm thấy thú vị. Cuộc sống ngày càng phát triển thì những thứ thuộc về văn hóa lại càng khiến người ta muốn tìm hiểu”.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Ngày 26/11/2022, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua việc công nhận bia Ma nhai tại Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn, di sản được vinh danh là vô giá, nhưng việc để các giá trị tồn tại nhân lên theo thời gian là việc cần sự chung tay của các ngành, các cấp và mỗi người dân, du khách khi đến với di sản ấy. Ma nhai là di sản tự nhiên, ngoài trời, bởi vậy, không thể tránh được sự tác động của môi trường, mưa bão. Trước mắt, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý và đặc biệt là nghiêm cấm việc tác động lên di sản như viết, vẽ, tẩy xóa hoặc tác động thô bạo dưới bất kỳ hình thức nào đều bị xử lý nghiêm ngặt.

Ông Hiền cũng mong rằng, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ về các kiến thức chuyên ngành, để công tác bảo tồn được triển khai tốt, đáp ứng với yêu cầu cấp thiết của một Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Du khách tìm hiểu về bia Ma nhai - văn tự khắc trên đá tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Trúc Hà

Ngày 1/3 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu tại buổi lễ, bà Miki Nozaqua, Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Bộ sưu tập Ma nhai Ngũ Hành Sơn lưu giữ những ký ức về giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực; vai trò của phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế thế kỷ XVII. Việc ghi danh trong danh mục Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo, tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới của các đề cử được gửi đến để đánh giá. UNESCO sẽ tiếp tục hành động và hỗ trợ quốc gia bảo tồn, gìn giữ di sản của mình. UNESCO sẽ khuyến khích xác định, bảo vệ và gìn giữ di sản để bảo vệ hình ảnh của di sản và nhận thức về tầm quan trọng của di sản; đồng thời, khuyến khích đối thoại và đa dạng văn hóa trên toàn thế giới”.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Từ năm 2019, nhìn nhận được những giá trị lớn, quý hiếm, độc đáo của hệ thống di sản tư liệu này, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh di sản tư liệu. Kết quả, vào ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cam kết, địa phương sẽ thực hiện hiệu quả quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các bia Ma nhai và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá giá trị di sản tư liệu này. Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của UNESCO, các bộ, ban, ngành Trung ương trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tư liệu quý giá này.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO