Biên phòng - Gần 20 năm làm Trưởng thôn Giang Nam, người phụ nữ dân tộc Tày Nông Thị Hợp (thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) được biết đến là người tận tụy, trách nhiệm với công việc. Bà cũng là một trong 163 đại biểu người có uy tín tiêu biểu tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” diễn ra tại Hà Nội, ngày 21-12 vừa qua.
Dù đã 60 tuổi, nhưng khi nói chuyện về thôn Giang Nam, về công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, đôi mắt bà Hợp lại sáng lên và nụ cười luôn nở trên môi. Bà Nông Thị Hợp giữ chức Trưởng thôn đã gần 20 năm, luôn được bà con nơi đây tin tưởng, tín nhiệm.
Ngày ấy, Giang Nam là thôn khó khăn của xã Thanh Thủy, đường giao thông không thuận lợi, địa hình đồi núi hiểm trở, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới hơn 50%. Người dân trong thôn chưa được tiếp cận nhiều với các cơ sở y tế, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao... Bà con của thôn Giang Nam chưa biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Thôn có hơn 40 hộ dân người dân tộc Mông, đa số là hộ nghèo, dân trí thấp, có người không biết tiếng phổ thông, nên việc tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều hạn chế.
“Nhìn cảnh cái đói cứ đeo bám lấy từng hộ, trẻ con nheo nhóc, còi cọc, lấm lem, ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc..., tôi trăn trở nhiều đêm không ngủ để tìm cách giúp bà con thoát nghèo. Làm cái gì đó để họ thoát nghèo ngay là không thể, nên tôi đã tích cực cùng cấp ủy, chính quyền xã Thanh Thủy và Ban cán sự thôn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con chịu khó làm ăn, thay đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp và tiếp cận với kinh tế hàng hóa”.
Giang Nam nằm ở trung tâm của xã Thanh Thủy, có lợi thế trong việc phát triển các hình thức kinh doanh, dịch vụ. Trưởng thôn Nông Thị Hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp sang hoạt động kinh doanh là chính... Đến nay, Giang Nam có gần 100 /241 hộ làm dịch vụ kinh doanh, thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng/hộ.
Đối với những hộ dân không lựa chọn kinh doanh, thì Trưởng thôn Nông Thị Hợp vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào nuôi, trồng vào những giống con, cây trồng mới, cho năng suất cao lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Mô hình trồng cỏ voi, chuối, mận tam hoa, ngô thâm canh, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn đen... đã phát huy tốt hiệu quả, đưa lại thu nhập khấm khá cho bà con. Nhờ đó, số hộ nghèo của thôn giảm theo từng năm. Năm 2016, toàn thôn có 63 hộ nghèo, năm 2017 còn 53 hộ nghèo và năm 2018 chỉ còn 48 hộ nghèo.
Bên cạnh đó, bà Hợp còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm đường, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã Thanh Thủy. Cho đến nay, với sự vận động của bà, người dân thôn Giang Nam đã tự nguyện hiến 1.220 mét (theo chiều dài) để làm đường. “Để bà con tin và làm theo, bản thân tôi phải gương mẫu và làm đầu. Tôi đã hiến 250 mét vuông để làm đường” – Bà Hợp nói.
Không những thế, “dấu ấn” của bà Hợp còn có ở khắp các “mặt trận” khác như: Thực hiện kế hoạch hóa gia đình; không còn hiện tượng tảo hôn; tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 0-5 tuổi; vận động học sinh đến trường, người dân không vận chuyển trái phép lâm sản; tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc và cùng với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản.
Mùa xuân này, về thôn Giang Nam, nhiều nhà mới kiên cố được mọc lên khang trang, đường thôn sạch đẹp, trẻ con được tới trường, người dân đủ ăn, đủ mặc, cuộc sống của bà con dần trở nên khấm khá hơn. Quả ngọt đó có một phần đóng góp không nhỏ của người Trưởng thôn Nông Thị Hợp.
Thùy Trang