Biên phòng - Dãy núi Pu Si Lung vốn được mệnh danh là nóc nhà biên cương thứ 2 của Tổ quốc. Đỉnh núi cao 2.800m so với mực nước biển, nơi cao chót vót ấy có cột mốc số 42, nhiều đoàn du lịch phượt, những người đam mê leo núi vẫn thường lên đó để chinh phục thử thách. Nhưng với anh Vàng A Phà, Trưởng bản Thò Ma, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, mốc số 42 lại là hình ảnh thiêng liêng và rất đỗi thân thuộc với những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử. Anh như một người bạn tri kỉ luôn đồng hành cùng những người lính Biên phòng trong mỗi lần lên núi Pu Si Lung tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Nhiều người truyền tai nhau rằng, nếu tới Lai Châu mà chưa vào Mường Tè thì coi như chưa tới Lai Châu. Nếu tới Mường Tè rồi mà chưa vào Pa Vệ Sử thì coi như chưa tới Mường Tè. Tới Pa Vệ Sử rồi mà chưa lên chinh phục đỉnh Pu Si Lung và cột mốc 42 thì coi như chưa toại nguyện. Tôi bị ám ảnh bởi những câu nói ấy và cuối cùng quyết định một phen tới Pa Vệ Sử. Pa Vệ Sử là xã xa xôi và khó khăn vào bậc nhất tỉnh Lai Châu.
Từ tỉnh lộ Lai Châu, men theo con đường nhựa chạy dọc sông Đà, chúng tôi vào tới Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử thì trời đã nhá nhem tối. Thiếu tá Đinh Quang Học, Chính trị viên đồn hồ hởi đón chúng tôi trước cổng. Nhìn thấy chúng tôi, anh không khỏi ngạc nhiên nói: “Các em đi xe máy vào tận đây à, vất vả quá”.
Chỉ kịp cất xong hành trang, quay ra sân đồn, chúng tôi gặp người đàn ông trạc 60 tuổi với bộ quần áo lấm lem bùn đất. Tò mò hỏi, tôi mới biết anh là Vàng A Phà, Trưởng bản Thò Ma, người không bao giờ có thể thiếu trong các chuyến tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Pa Vệ Sử. Chỉ kịp chào anh, anh gọi to vọng lại nói: “Chút xuống nhà anh chơi”. Trời đã tối, chúng tôi xuống nhà anh Phà chơi và trò chuyện cùng anh.
Bên bếp lửa vẫn còn cháy rực, nhìn kĩ gương mặt anh, không ai ngờ được rằng anh vừa đi mốc 42 về. Vẫn giọng nói sang sảng, dáng người chắc nịch, anh nói: “Mình vừa cùng anh em đi mốc 42 về, người mỏi nhừ hết rồi”. Nghe anh nói, tôi tò mò hỏi: “Lên mốc 42 có xa không anh, em đi được chứ?”. Hớp ngụm chè xanh, anh cười sảng khoái: “Đi được! Quyết tâm là đi được mà! Đi mất 3 ngày, 3 đêm thôi”.
Thiếu tá Đinh Quang Học cho biết: “Anh Vàng A Phà là Trưởng bản lâu nhất ở đây. Anh làm Trưởng bản Thò Ma 10 năm rồi. Anh là người có uy tín, trong cộng đồng người La Hủ và cũng là người luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử trong các chuyến lên núi tuần tra, nhất là đi mốc 42”.
Thiếu tá Đinh Quang Học cho biết thêm: “Mốc 42 nằm trên đỉnh núi Pu Si Lùng. Đây là ngọn núi cao nhất tuyến biên giới phía Bắc và cột mốc 42 cũng là một trong những cột mốc cao nhất nhì trên tuyến biên giới Việt - Trung. Muốn lên cột mốc 42 phải đi mất 3 ngày, 3 đêm, trong đó, ngủ một đêm tại bản và 2 đêm ngủ tại hang đá dưới chân mốc 42. Một chuyến đi tuần tra như vậy phải mang theo quần áo ấm, kể cả mùa hè vì ngủ trong hang đá lại trên núi cao nên rất lạnh. Ngoài những quân tư trang cần thiết, bộ đội còn phải mang toàn bộ lương thực, thực phẩm trong 3 ngày, 3 đêm”.
Đường lên với đỉnh Pu Si Lung và cột mốc 42 phải xuyên qua rừng già, ngược núi mà đi, nhiều nơi dốc 180 độ phải bò nên rất nguy hiểm, phải là những người có kinh nghiệm đi rừng mới lên mốc được.
Cột mốc 42 cũng là nơi mà nhiều đoàn phượt cũng như các câu lạc bộ leo núi muốn chinh phục. Thiếu tá Đinh Quang Học cho biết, mỗi năm có tới vài chục đoàn phượt muốn lên với mốc, tất cả các đoàn đều phải vào đồn Biên phòng để khai báo về người, lịch trình đi lại khi vào khu vực biên giới. Nếu đoàn muốn có người dẫn đi thì đồn sẽ giới thiệu những người có kinh nghiệm đi rừng như anh Vàng A Phà hướng dẫn.
Khi được hỏi, đi tuần tra vất vả như thế, anh có nản không? Anh Phà trả lời ngay: “Không bao giờ. Mình còn khỏe thì mình còn đi cùng anh em Biên phòng”. Nói xong, anh đứng dậy mở tủ, lấy ra Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” mà cách đây 6 năm, anh vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng.
Trầm ngâm một lúc, anh nói: “Tuần tra bảo vệ biên giới, nhất là lên mốc quốc giới nó thiêng liêng lắm. Bao nhiêu đời nay, người La Hủ ở đây gắn bó với Biên phòng rồi, không bao giờ bỏ mốc, bỏ đường biên đâu, chỉ khi cái chân mình mỏi, cái gối mình chùng xuống, không theo kịp anh em nữa thì mình mới không đi”.
Thiếu tá Đinh Quang Học cho biết thêm: Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử quản lý, bảo vệ 31,556km đường biên giới với 7 mốc, từ mốc 42 tới mốc 48, tiếp giáp với Trung Quốc. Đồn còn phụ trách địa bàn xã biên giới Pa Vệ Sử, có 683 hộ dân và 2.708 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc La Hủ chiếm tới 94%, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, phần đa Nhà nước phải trợ cấp.
Những năm gần đây, Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử cũng đã có nhiều mô hình kinh tế giúp bà con thoát nghèo, như: Chương trình bò giống cho người nghèo, hướng dẫn bà con trồng cây thảo quả và cây sa nhân tím, cấy lúa nương hai vụ, nhờ vậy đời sống người dân La Hủ nơi đây cũng bớt đi phần nào khó khăn, vất vả.
Kim Nhượng