Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Trưởng bản “đặc biệt” của đồng bào Chứt

Biên phòng - Lần đầu tiên đứng tuyên truyền với người dân bản Rào Tre về các chính sách của Nhà nước, với cương vị là Trưởng bản, Hồ Thị Kiên suýt bật khóc vì mọi người bỏ về gần hết. Trong quan niệm của đồng bào Chứt, lớp thanh niên như Kiên chỉ là “đứa trẻ”, chuyện đại sự là việc của người già; chỉ có người già mới có tiếng nói ở tộc người thiểu số này.

5c2d6d223f5e0221ae001071
Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên trao đổi với cán bộ Biên phòng. Ảnh: Khánh Chi

Chúng tôi đến bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày sắp kết thúc một năm. Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh nhiệt tình làm “hoa tiêu” cho chúng tôi đến nơi định cư mới của đồng bào Chứt. Chỉ cách khoảng 3km, những ngôi nhà ngói mới tinh tươm đã thay thế dần những ngôi nhà sàn dột nát, tại ngôi làng vừa “khai sinh”.

Nhà Trưởng bản Hồ Thị Kiên cũng vừa được xây dựng tại nơi này. Thiếu tá Thiên vui vẻ dặn trước: “Tý gặp trưởng bản, các đồng chí đừng ngạc nhiên nhé”... Đến trước một ngôi nhà, Thiếu tá Thiên cất tiếng gọi, lát sau, một người phụ nữ chừng 30 tuổi mở cửa bước ra. Chúng tôi cứ đinh ninh chị là con gái trưởng bản, nhưng bất ngờ, Thiếu tá Thiên giới thiệu: “Trưởng bản Rào Tre đấy”. Chẳng ai ngờ, nơi tộc người thiểu số còn lắm hủ tục lại có một nữ trưởng bản trẻ tuổi như vậy. Hồ Thị Kiên vui vẻ mời chúng tôi vào nhà trò chuyện.

Vừa xếp lại những tập hồ sơ bày biện trên bàn, nữ Trưởng bản Rào Tre vừa tiếp chúng tôi với nụ cười trên môi. Không rụt rè như tính cách của con người nơi đây, Hồ Thị Kiên tự tin kể cho chúng tôi về hành trình làm trưởng bản đầy thú vị của mình.

Hồ Thị Kiên sinh năm 1988, bố mẹ Kiên là người sinh ra và lớn lên tại nơi đây. Cũng như bao đứa trẻ khác, Kiên lớn lên với những hủ tục của bản làng. Kiên bảo, mẹ sinh ra Kiên bên bờ suối. Sau này Kiên nghe mẹ kể lại, những ngày một mình xoay xở với thiên chức bên bờ suối, mẹ biết bao lần đối mặt với tử thần. Không có ai bên cạnh, nhiều lúc mẹ Kiên nghĩ rằng, không thể sống tiếp được. Nhưng may mắn thay, mẹ vẫn vượt cạn thành công. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào sinh ra từ hủ tục này cũng may mắn như Kiên. Càng lớn lên, chứng kiến những lần vượt cạn như thế, Kiên càng thấm những nguy hiểm cận kề. Đã rất nhiều đứa trẻ ra đi bên bờ suối như thế mà không một lần được gặp người thân. Từ trong nhận thức của mình, Kiên luôn mong muốn bản thân mình có thể làm gì để loại dần những hủ tục ra khỏi đời sống, để bà con bớt khổ. Nhưng từ bao đời, người trẻ tuổi chỉ như những đứa trẻ con trong bản, chẳng ai nghe đứa trẻ nói!

“Đầu năm 2015, BĐBP và chính quyền địa phương đã xem xét, tham mưu đưa đội ngũ trẻ trong bản làm cán bộ. Nhận thấy Kiên là người nhanh nhẹn, lại có kiến thức nên chúng tôi đã tham mưu đề đạt đồng chí Kiên làm trưởng bản” - Thiếu tá Thiên cho biết. Chia sẻ về những khó khăn khi nhận nhiệm vụ, Hồ Thị Kiên tâm sự: Thời gian đầu làm trưởng bản, mình gặp rất nhiều áp lực. “Những hôm có buổi họp, người dân trong bản vẫn đến, nhưng khi bộ đội nói thì họ nghe, đến khi mình phát biểu thì họ đi về hết. Khi đó, mình chỉ biết khóc vì tủi thân quá” - Kiên nhớ lại.

Nhưng khó khăn không làm Kiên nản chí. Được cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng động viên, Kiên lại suy nghĩ, tìm cách nói để đồng bào nghe. Sau nhiều đêm thức trắng, Kiên thấy rằng, bản thân mình phải là người tiên phong trong các phong trào và làm có hiệu quả, người dân mới nghe. Được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng, nữ trưởng bản bắt đầu tăng gia sản xuất. Không chỉ trồng lúa, Kiên còn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Hằng năm, tiền bán lợn đã giúp gia đình Kiên khấm khá hơn. Nhìn đàn lợn múp míp trong chuồng, nhiều bà con không khỏi trầm trồ. Hết việc nhà, Kiên lại lo việc của bản. Hễ bà con trong bản có việc gì khó khăn, Kiên đều đến nhà hỏi han, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để đề đạt với cấp trên. Nhiều nguyện vọng được giải quyết, bà con hết sức phấn khởi. Kiên dần dần được bà con khen và tin tưởng. Chẳng biết từ lúc nào cái tên “Trưởng bản Kiên” đã trở nên thân thuộc với bà con nơi đây.

Một trong những kết quả nổi bật mà Hồ Thị Kiên tâm đắc là vấn đề dân số của đồng bào Chứt. Cùng với sự giúp đỡ của BĐBP, câu chuyện những đứa trẻ sinh ra bên bờ suối đã không còn tồn tại nơi đây. Giờ thì mỗi lần sinh đẻ, phụ nữ đồng bào Chứt đều đến trạm xá hoặc bệnh viện để “vượt cạn”. Vài năm lại đây, phụ nữ dân tộc Chứt đã biết sử dụng các biện pháp tránh thai. Chỉ vào những ngôi nhà bên cạnh, Kiên phấn khởi: “Ngoài một số gia đình lớn tuổi thì phần lớn những gia đình tại nơi định cư mới này đều chỉ có 2 con thôi”. Sau gần 4 năm làm trưởng bản, điều khiến Hồ Thị Kiên vui nhất chính là chị đã góp một phần làm cho cuộc sống của bà con nơi đây trở nên tốt đẹp hơn.

Khánh Chi

Bình luận

ZALO