Biên phòng - Trung tướng Trần Linh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chia sẻ với chúng tôi điều đó khi ông trả lời phỏng vấn cho loạt phim tài liệu “Những trang sử biên thùy”. Sở dĩ ông nói vậy là trong suốt chặng đường 42 năm quân ngũ, kinh qua nhiều vị trí công tác tại các quân khu, quân đoàn, thì 15 năm công tác tại Bộ Tư lệnh BĐBP là khoảng thời gian bản lĩnh, trí tuệ của ông được phát huy cao độ với nhiều cống hiến quan trọng. Một ngày chớm hè cuối tháng 4-2022, mây trắng biên thùy đã đón vị tướng bản lĩnh và trung hậu ấy về “thế giới những người hiền”, để lại bao tiếc thương cho gia đình cùng đồng chí, đồng đội.

Tháng 7-1981, Đại tá Trần Linh, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 678 được cấp trên điều về làm Chủ nhiệm Chính trị BĐBP. Ông vẫn nhớ như in một ngày nắng, vai đeo chiếc ba lô đã cùng ông trải qua bao cuộc chiến, dắt chiếc xe đạp đi giữa tiếng ve kêu ồn ào trên hàng sấu cổ thụ trong không gian xanh của Bộ Tư lệnh BĐBP. Sau 25 năm công tác, màu quân hàm trên vai chợt thay đổi với rất nhiều áp lực mới đang chờ đợi ông cùng BĐBP khiến ông ít nhiều cảm thấy bâng khuâng.
Khi đó, những chiến sĩ Biên phòng vừa trải qua những trận đánh vô cùng ác liệt ở cả hai đầu biên giới, hi sinh, gian khó không biết bao nhiêu mà kể. Rồi việc chuyển đổi lực lượng với nhiều bất cập khiến cho lòng quân không yên, tư tưởng anh em dao động thấy rõ. Điều đó đặt ra cho Chủ nhiệm Chính trị Trần Linh một bài toán vô cùng khó giải. Sau khi nghiên cứu tình hình, ông triển khai quán triệt Chỉ thị 85/BTTM ngày 25-6-1981 của Bộ Tổng Tham mưu cho toàn cơ quan Cục, xác định trách nhiệm, chấp hành mệnh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ. Từng bước một, ông đã phát huy dân chủ, tôn trọng lắng nghe các ý kiến tham gia, đi tới thống nhất chủ trương, biện pháp công tác, xác định nhiệm vụ cho từng phòng, ban, đơn vị..., từ đó, tạo được sự gần gũi, xóa được hoài nghi, xây dựng lòng tin và hòa hợp của cán bộ, chiến sĩ.
Đặc biệt là đối với công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT), do cơ chế song trùng chỉ đạo, chỉ huy nên BĐBP bị các quân khu đánh giá là luôn coi nhẹ công tác giáo dục chính trị. Để hiểu thấu đáo vấn đề này, Chủ nhiệm Trần Linh đã đi kiểm tra các tuyến biên giới trọng điểm và nhận ra rằng, công tác này đều do Cục Chính trị các Quân khu hướng dẫn, thống nhất theo chương trình, kế hoạch của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương. Trong khi các đồn, trạm Biên phòng lại đóng quân phân tán, hoạt động bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới 24/24 giờ, nên khó lòng đảm bảo được thời gian, nội dung theo quy định, chưa kể công tác huấn luyện nghiệp vụ biên phòng cũng hết sức quan trọng.
Hiểu được đặc thù này, ông đã trực tiếp báo cáo, tham mưu với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hiểu rõ hơn về đặc thù CTĐ, CTCT đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cũng như sự đa dạng, phức tạp của nhiệm vụ trên cả ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ông xúc tiến nhiều hơn các chuyến công tác khảo sát chuyên đề để các Cơ quan Tổng cục từng bước hiểu thêm về đặc điểm hoạt động công tác chính trị của BĐBP như bảo vệ chính trị nội bộ đồn Biên phòng của Cục Bảo vệ; công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc Mông Tây Bắc của Cục Dân vận, công tác tuyên huấn trong BĐBP...
Từ đó, Tổng cục Chính trị đã có văn bản chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT trong BĐBP thống nhất từ Tổng cục đến các Quân khu và BĐBP các tỉnh. Từ đó, các nhiệm vụ chính trị của BĐBP được tiến hành nhịp nhàng hơn theo khuôn khổ chung theo hệ thống chỉ huy của QĐND Việt Nam. Tinh thần chiến đấu, bản lĩnh chỉ huy tác chiến, năng lực chuyên môn, ý thức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã theo kịp trình độ phát triển của quân đội.
“Khi sang làm việc với Biên phòng, đồng chí Cục trưởng Cục Tổ chức, một người bạn chiến đấu của tôi đã vỗ vai tôi và nói: “Mới có mấy năm, anh đã là người của Biên phòng thật rồi”. Nhưng cũng phải thừa nhận, 15 năm công tác trong BĐBP đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý, nhiều tri thức quan trọng về cương thổ quốc gia và sự nghiệp bảo vệ bờ cõi biên cương của Tổ quốc” - Trung tướng Trần Linh hiền hậu kể lại.
Tháng 10-1985, ông được bổ nhiệm là Phó Tư lệnh Chính trị BĐBP và thăng quân hàm Thiếu tướng. Cũng trong năm 1985, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Quyết định số 10-QĐ/TW về thành lập Đảng ủy BĐBP. Có được mô hình tổ chức này là cả một quá trình phấn đấu gian khổ, khó khăn, trải nghiệm bằng thực tế chiến đấu và công tác của cán bộ, chiến sĩ và sự nỗ lực không ngừng của Đảng ủy BĐBP. Đảng bộ Biên phòng tỉnh, thành được chuyển từ Đảng ủy Quân sự về trực thuộc các tỉnh, thành ủy nên vai trò và tính chủ động, sáng tạo của hệ thống cơ quan chính trị trong BĐBP ngày càng được khẳng định.
Ngày 4-4-1986, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 419/BTTM nhằm củng cố tổ chức BĐBP theo hệ thống tập trung, thống nhất 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành, các đồn Biên phòng, giải thể Cục Biên phòng các Quân khu. Là Phó Tư lệnh Chính trị, Trung tướng Trần Linh đã trực tiếp đi xuống các Quân khu nhận bàn giao các Cục Biên phòng, bố trí sắp xếp cán bộ chuyển về BĐBP. Đồng thời chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư và Quyết định 419 của Bộ Quốc phòng, mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị động viên cán bộ, chiến sĩ đề cao trách nhiệm, tăng cường quản lý kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Tháng 11-1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng có Quyết định 07/QĐTW chuyển BĐBP về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trước nhiều áp lực về chủ trương đổi tên, chuyển chức năng nhiệm vụ, song, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã nhạy bén, tham mưu, thuyết trình để Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tên gọi BĐBP. Bản thân Trung tướng Trần Linh cũng trực tiếp lên báo cáo các đồng chí lãnh đạo cấp cao để trình bày kiến nghị của Đảng ủy BĐBP bằng những quan điểm xác đáng, khách quan và phù hợp với thực tiễn của lực lượng.
Trong 7 năm trực thuộc Bộ Nội vụ, Trung tướng Trần Linh đã cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng tạo nên những chuyển biến vững chắc. Trong đó, CTĐ, CTCT đổi mới cơ bản, cán bộ, chiến sĩ vững vàng về tư tưởng, đạo đức; quần chúng nhân dân được giác ngộ cao; thế trận biên phòng toàn dân được đặt nền móng vững chãi và công tác tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền đặc biệt được đẩy mạnh. Trung tướng Trần Linh cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Đảng và triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong BĐBP.
Nhiều dấu ấn quan trọng của thời kỳ này cũng có phần đóng góp không nhỏ của ông như Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 3-3 hàng năm là “Ngày Biên phòng”. Đặc biệt, ông cũng là một trong những “kiến trúc sư” xây dựng Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Trung ương Đảng về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”.
Theo đó, BĐBP được xây dựng theo cơ chế của một lực lượng vũ trang nên cơ chế chỉ huy, điều lệnh, chính sách... cơ bản theo Bộ Quốc phòng. Đồng thời, là thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành nên việc phối hợp thế trận biên phòng và thế trận quốc phòng sẽ gắn chặt, tạo điều kiện để BĐBP hoàn thành nhiệm vụ trong thời bình cũng như khi chiến tranh xảy ra. Vừa tập trung điều hành lực lượng, ông cùng Tư lệnh Đinh Văn Tuy tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương Đảng, các tỉnh, thành ủy, Tổng cục Chính trị, Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương... chuẩn bị văn bản nghị quyết. Khi Nghị quyết 11 chính thức được ban hành, tạo ra không khí phấn khởi, quyết tâm mới trong toàn lực lượng, thì cũng là lúc Trung tướng Trần Linh hoàn thành nghĩa vụ của một người lính với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Còn với riêng tôi, tôi sẽ mãi không quên vị lão tướng có vóc dáng cao to, khuôn mặt quắc thước khi đã ở tuổi ngoài 80 vẫn nhiệt tình giúp đỡ tôi tìm hiểu bao thông tin quý giá về sự trưởng thành, phát triển của BĐBP. Và luôn nhớ, vị Chính ủy xuất thân từ một cán bộ chính trị của quân đội ấy đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hòa nhập, gắn bó với BĐBP, để rồi vận dụng những nguyên tắc, kinh nghiệm tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội vào thực tiễn công tác Biên phòng một cách sáng tạo và hiệu quả.
Phạm Vân Anh