Biên phòng - 50 năm cuộc đời binh nghiệp (trong đó có 15 năm công tác trong lực lượng BĐBP), Trung tướng Trần Linh, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP đã để lại nhiều dấu ấn khó phai, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng BĐBP...
Trung tướng Trần Linh, sinh năm 1929, tại phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, sau đó lớn lên tại làng Quê Phương (nay là xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Khi học tiểu học, đồng chí đã tham gia phong trào Hướng đạo sinh và được cán bộ Việt Minh tuyên truyền, giác ngộ về lòng yêu nước. Tháng 4-1946, đồng chí nhập ngũ vào Vệ quốc đoàn, được biên chế vào Đội tuyên truyền vũ trang thuộc Tiểu đoàn Quảng Yên, sau đó, được cử đi học lớp Chính trị viên Trung đội ở Liên khu 3.

Năm 1947, đồng chí được bổ nhiệm là Chính trị viên Trung đội 6, Đại đội 243, Tiểu đoàn 160 (năm 1948, Tiểu đoàn 160 chuyển về trực thuộc Trung đoàn 308, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 11).
Ngày 25-7-1948, Tiểu đoàn 11 được giao nhiệm vụ tiêu diệt đồn Phủ Thông, Bắc Kạn, đây là trận đánh công kiên đầu tiên của Quân đội ta. Trong trận này, đồng chí Trần Linh bị thương nặng, phải đưa về tuyến sau. Sau khi ra viện, đồng chí về lại đơn vị, giữ chức Chính trị viên đại đội.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Linh là Chính trị viên Tiểu đoàn 11, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn. Đơn vị của đồng chí được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau khi chiến dịch kết thúc, đồng chí Trần Linh được cử đi học tại Trường Quân chính Bắc Sơn. Năm 1962, đồng chí là một trong những cán bộ được cử đi học tại Học viện Quân chính Lê Nin (Liên Xô cũ); về nước, đồng chí công tác tại Tổng cục Chính trị, tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình công tác Đảng, công tác chính trị.
Năm 1966, không quân Mỹ tập trung bắn phá ác liệt địa bàn Quân khu 4, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đồng chí Trần Linh được cử vào làm Phó Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Tháng 2-1968, đồng chí được bổ nhiệm làm Chính ủy Sư đoàn phòng không 375. Khi Bộ Quốc phòng thành lập Binh đoàn 678, có nhiệm vụ thống nhất quản lý, chỉ huy các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp bạn Lào, đồng chí Trần Linh được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn.
Phát huy chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng chí Trần Linh đã cùng Tư lệnh Trần Văn Quang tổ chức, xây dựng đơn vị và chỉ đạo các lực lượng giúp bạn Lào. Sau khi Binh đoàn 678 hoàn thành nhiệm vụ và giải thể, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Hoàn thành khóa học, tháng 7-1981, đồng chí Trần Linh được giao đảm nhiệm chức trách Chủ nhiệm Chính trị BĐBP.
Ngay từ những ngày đầu đảm nhiệm cương vị mới, đồng chí Trần Linh đã nhanh chóng nắm tình hình tư tưởng, tổ chức của Cục Chính trị BĐBP. Sau đó, mở các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, chức năng của BĐBP, trong đó, có vai trò, trách nhiệm của cơ quan Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị đối với công tác biên phòng. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Cục đã thông suốt với sự chỉ đạo của cấp trên, xác định tốt trách nhiệm, ổn định tư tưởng, thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Linh cũng dành nhiều thời gian đi đến các đồn, trạm Biên phòng để hiểu sâu hơn về công tác biên phòng và hoạt động của BĐBP ở cơ sở. Qua những chuyến công tác, đồng chí nhận thấy, một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của BĐBP chưa phát huy hiệu quả là do Cục Chính trị các Quân khu và Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh chỉ đạo không sát với thực tế hoạt động của BĐBP.
Do đó, đồng chí đã báo cáo với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và cơ quan Tổng cục Chính trị về tình hình trên. Từ đó, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, chỉ đạo các phương thức tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với cán bộ, chiến sĩ BĐBP.
Tháng 11-1985, đồng chí Trần Linh được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP, Phó Bí thư Đảng ủy BĐBP. Đồng chí rất chú trọng xây dựng quy hoạch cán bộ, đề xuất với Bộ Tư lệnh BĐBP ra Chỉ thị số 154/CT-BTL ngày 5-10-1990 về việc “Tiến hành nghiên cứu chức danh, tiêu chuẩn cán bộ”.
Sau khi có Nghị định số 57/NĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc nâng cấp Trường Sĩ quan Biên phòng thành Đại học Biên phòng, đồng chí cùng các Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP đề xuất phương án sáp nhập Trường Trung cao Biên phòng vào Đại học Biên phòng để hoàn chỉnh quy trình đào tạo cán bộ trong BĐBP.
Trong quá trình chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là biện pháp công tác vận động quần chúng, đồng chí Trần Linh nhận thấy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đặc biệt là công tác giáo dục, y tế ở các thôn, bản biên giới phải được quan tâm hàng đầu.
Do đó, đồng chí đã khởi xướng, đề xuất với Bộ Tư lệnh BĐBP ký kết chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học”, tháng 7-1992; phối hợp với Bộ Y tế về “Tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh cho đồng bào vùng cao biên giới”, tháng 9-1992; phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về “Đưa văn hóa thông tin về vùng cao biên giới”, tháng 7-1993. Đồng thời, đồng chí Trần Linh cũng chỉ đạo các chương trình phối hợp, từng bước đạt hiệu quả để phát triển toàn diện sau này.
Trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy BĐBP, đồng chí Trần Linh đã giúp đồng chí Bí thư Đảng ủy BĐBP điều hành tốt hoạt động của Đảng ủy, đảm bảo nền nếp các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, học tập, tự phê bình và phê bình. Đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan, nhất là Cục Chính trị BĐBP chuẩn bị kỹ dự thảo các văn kiện, nghị quyết phục vụ cho các kỳ họp của Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy; đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết xuống cơ sở, gắn với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Đồng chí Trần Linh sớm cho ý kiến chỉ đạo sâu sắc, bước đầu làm cơ sở để sau này Cục Chính trị BĐBP nghiên cứu từng bước cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của 4 loại hình tổ chức cơ sở đảng trong BĐBP.
Thành Chung
(Lược ghi theo cuốn “Những vị tướng Biên phòng”)