Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 07:59 GMT+7

Trung tướng Hà Ngọc Tiếu - Mưu trí, sáng tạo trên trận tuyến an ninh thầm lặng

Biên phòng - Trung tướng Hà Ngọc Tiếu (Nguyễn Văn Hoàn), nguyên Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), nguyên Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, sinh năm 1921 trong một gia đình lao động. Đồng chí quê gốc xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ năm 1942, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng tại TP Hải Phòng, Hà Nội... Sau khi bị lộ, đồng chí đến Sài Gòn - Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh).

600_24an.jpg
Trung tướng Hà Ngọc Tiếu.
Tháng 2-1961, Chính ủy Phan Trọng Tuệ đi nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) trực tiếp phụ trách công tác trinh sát. Ngày 4-11, đồng chí Hà Ngọc Tiếu được điều động từ Cục II, Bộ Quốc phòng sang giữ chức Cục phó Cục Trinh sát, thay đồng chí Nguyễn Hoàn sang Liên Xô học tại trường An ninh Biên phòng.

Từ thời điểm này cho đến năm 1974, tổ chức của Cục Trinh sát chỉ có một Cục phó, không có Cục trưởng, do đó, đồng chí Hà Ngọc Tiếu vừa là tham mưu vừa là trợ thủ đắc lực cho Chính ủy Nguyễn Quang Việt và Bộ Tư lệnh trong chỉ đạo công tác trinh sát của toàn lực lượng. Đồng chí  là người kiên trì quan điểm xây dựng trinh sát biên phòng mạnh, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bờ biển, hải đảo, giới tuyến quân sự tạm thời, bảo vệ miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam cùng các chiến trường khác. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và trực tiếp của Chính ủy Nguyễn Quang Việt, Cục Trinh sát khẩn trương bước vào thời kỳ nghiên cứu, xây dựng và xác định lại tính chất, nhiệm vụ, tổ chức, phương thức hoạt động của trinh sát biên phòng.

Vào tháng 4-1960, tại xã Quốc Khánh (Lạng Sơn) xuất hiện một nhóm phản cách mạng do Hoàng Văn Sáng cầm đầu. Nhóm này được tổ chức phản cách mạng ở Khéo Mèo, Trung Quốc bí mật giúp đỡ lập căn cứ du kích. Âm mưu của nhóm Sáng là bước đầu vũ trang nổi dậy cướp chính quyền xã, tiến đến đánh chiếm Đồn BP Pò Mã. Trước tình hình này, Cục phó Hà Ngọc Tiếu chỉ đạo Ban chuyên án đưa đặc tình H5 vào Chuyên án VA.500 để đấu tranh.

Với vai đóng phù hợp và sự mưu trí, dũng cảm, chỉ đạo sáng tạo của trinh sát phụ trách, H5 nhanh chóng gây được sự tin cậy của nhóm phản cách mạng Hoàng Văn Sáng, góp phần đắc lực để chuyên án kết thúc thắng lợi. Ta bắt 5 đối tượng, trong đó, trao trả cho Trung Quốc 2 tên. Trong bức điện gửi CANDVT tỉnh Lạng Sơn, Cục phó Hà Ngọc Tiếu biểu dương cán bộ, chiến sĩ tham gia bóc gỡ nhóm Sáng và chỉ rõ: "Công trạng của H5 cần ghi vào hồ sơ công tác của đặc tình; khi nào không còn cần giữ bí mật nữa thì mới tặng bằng khen. Về hiện vật, thưởng 25 đồng".

Đầu tháng 12-1962, trinh sát CANDVT tỉnh Cao Bằng phát hiện có 3 người Trung Quốc sang Việt Nam móc nối với một số đối tượng ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh để thành lập tổ chức vũ trang, lập mật khu chống phá cách mạng 2 nước Việt Nam, Trung Quốc. Chúng đã có súng, giấy tờ giả, đặc biệt, có 2 cơ sở đang làm thợ rèn ở thị trấn Trùng Khánh và làm công nhân ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). CANDVT tỉnh Cao Bằng báo cáo Cục Trinh sát xin tăng cường lực lượng. Cục phó Hà Ngọc Tiếu cử các đồng chí Lê Hoàng Giáp và Vũ Như Ánh. Tổ trinh sát tỉnh cử các đồng chí Nông Văn Tạo, Lê Khôi, Nguyễn Minh, Lê Văn Cuông. Đồng chí Cuông chỉ huy nhóm trinh sát biên phòng phối hợp với Công an huyện Trùng Khánh lập án truy tìm tại 3 xã thuộc khu vực biên phòng và 3 xã sâu trong nội địa. Lực lượng đánh án gồm 8 cán bộ trinh sát chia thành 2 tổ. Đồng chí Lê Hoàng Giáp làm Tổ trưởng tổ 1. Đồng chí Vũ Như Ánh làm Tổ trưởng tổ 2.

Qua phát động quần chúng kết hợp với công tác nghiệp vụ, Ban chuyên án đã làm rõ tổ chức và hoạt động của bọn phản cách mạng mang tên "Giải phóng quân nhân dân Nam Phương độc lập đoàn". Tổ chức này phát triển được 62 đối tượng, trong đó có 18 đối tượng là người Trung Quốc do Triệu Kim Phúc cầm đầu. 44 đối tượng còn lại là người Việt Nam. Tổ chức này kết hợp buôn lậu với trấn cướp để lấy kinh phí hoạt động; từng 2 lần đóng giả Công an Biên phòng chặn dân qua lại biên giới, "tịch thu" hàng, tiền của họ; bắt trộm 70 con trâu, ngựa của dân mang sang Trung Quốc tiêu thụ.

Chuyên án kết thúc vào ngày 28-10-1963, bắt 23 đối tượng cầm đầu và cốt cán của tổ chức "Giải phóng quân nhân dân Nam Phương độc lập đoàn". Trong đó có 11 đối tượng người Trung Quốc gồm đảng trưởng, tham mưu trưởng, chính trị viên của tổ chức. Số đối tượng này được trao trả cho Trung Quốc.
Đại tá Lương Sĩ Cầm, nguyên là Phó Chính ủy CANDVT Vĩnh Linh kể, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã tham mưu đắc lực cho Bộ Tư lệnh chỉ đạo công tác trinh sát giới tuyến theo một mô hình tổ chức đặc biệt  xuất phát từ tư tưởng chủ động tấn công, đưa lực lượng vào vùng sau lưng địch. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, CANDVT Vĩnh Linh đã tổ chức đưa 6 đội trinh sát chính trị sang hoạt động trong lòng địch ở bờ Nam, vừa làm công tác trinh sát, vừa giúp cán bộ địa phương xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu còn chỉ thị cho Ban Trinh sát Vĩnh Linh tổ chức một đơn vị thuyền đi biển gọi là B6, do đồng chí Lê Bá Đằng chỉ huy, chuyên xuất phát từ Vĩnh Linh, vượt ra ngoài đảo Cồn Cỏ rồi đột nhập địa bàn Nam Quảng Trị để chuyên chở vũ khí, tài liệu và đưa đón cán bộ ra vào vùng địch. Vào thời điểm địch kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến, đội thuyền này đã lập được nhiều thành tích xuất sắc.

Năm 1964, sau khi Nguyễn Khánh lên cầm quyền ở miền Nam, Cục Trinh sát thông báo cho CANDVT Vĩnh Linh về hoạt động của bọn quân báo được tăng cường hơn bọn tình báo ngụy. Trong đó, tổ chức "Ban Sưu tầm Vùng I chiến thuật" của địch có 5 toán gián điệp, đánh số từ 11 đến 16 ( không có toán 13).  Cục phó Tiếu chỉ đạo trinh sát Vĩnh Linh cần chú ý toán 11 và 16.  Toán 11 lấy bí danh "Bắc Ải Vân" hoạt động từ Quảng Trị ra tận Đồng Hới (Quảng Bình). Toán 16 còn gọi là toán Lao Bảo, gồm toàn người dân tộc, hoạt động ở vùng rừng núi Quảng Trị chuyên thu thập tin về đường dây 559. Ngoài 2 toán này, trinh sát cần chú ý sự  hoạt động phối hợp giữa Phòng nhì Sư đoàn I, Vùng chiến thuật I với quân báo Vương quốc Lào. Bọn này tổ chức đánh người từ Sê Pôn ra Cù Bai...

Bên cạnh việc chỉ đạo sát sao công tác nghiệp vụ, đồng chí Hà Ngọc Tiếu còn thường xuyên chỉ đạo Vĩnh Linh xây dựng lực lượng, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ trị an, xây dựng công tác 3 phòng (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn) đều khắp, sinh hoạt có nội dung. Nhờ các phong trào này hoạt động có hiệu quả nên từ năm 1961 đến 1963, 7 đường dây gián điệp của địch tung ra Vĩnh Linh đều bị ta bóc gỡ, số thì bị bắt, số thì dao động, không dám vượt sông Bến Hải ra Bắc. Đến năm 1965, địch đã đánh ra bờ Bắc 61 vụ gián điệp nhằm điều tra các đơn vị Quốc phòng, CANDVT và các tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam. Các vụ này đều bị ta phát hiện và chặn đứng. Trong đó có những vụ, đồng chí Hà Ngọc Tiếu trực tiếp chỉ đạo và tham gia đánh án.

Từ năm 1972 đến cuối năm 1976, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Sĩ quan CANDVT (nay là Học viện Biên phòng). Đại tá Nguyễn Trọng Trình, nguyên Phó Hiệu trưởng giai đoạn 1980-1988 kể: Trong quá trình bổ sung, biện soạn lại nội dung các bài giảng, nội dung chương trình giảng dạy, đồng chí Hà Ngọc Tiếu có nhiều đóng góp quý báu. Không những chỉ đạo công tác này, mà còn với bề dày hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã tích cực trao đổi kinh nghiệm  của mình để các giáo viên nghiên cứu, xây dựng nội dung bài giảng.

Đồng chí Hà Ngọc Tiếu là người có cách tiếp cận độc đáo với học viên. Khi về công tác ở trường, đồng chí chỉ đạo tập thể Đảng ủy - Ban Giám hiệu nên đến tận nơi học tập để nghe học viên thảo luận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ... Có người đưa ra vấn đề: "Học viên gặp lãnh đạo là ngại rồi, vậy mình ngồi ở đâu để giữ được bí mật trong lúc quan sát học viên?". Đồng chí trả lời: "Trực tiếp gặp, trao đổi với học viên, mình cởi mở thì họ cũng cởi mở với mình". Từ đó trở đi, chỉ đạo này của đồng chí trở thành phong cách làm việc của Đảng ủy - Ban Giám hiệu.

Cuối năm 1976, trường Sĩ quan CANDVT cùng các trường Sĩ quan An ninh nhân dân và Sĩ quan Cảnh sát nhân dân được Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 231/CP ngày 27-11-1976, quyết định nâng cấp thành trường đại học. Sự kiện này đánh dấu bước biến đổi về chất trong quá trình phát triển của trường Sĩ quan CANDVT.

Ngày 1-5-1975, một ngày sau khi Sài Gòn được giải phóng, phía Cam-pu-chia dân chủ do Pôn Pốt cầm đầu đột ngột đưa quân xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Trong những ngày tiếp theo, quân Pôn Pốt dùng cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng biển nước ta, liên tiếp gây ra nhiều vụ khiêu khích, đánh phá dọc biên giới, tập kích nhiều đồn biên phòng. Thậm chí, phía Pôn Pốt còn đưa quân xâm nhập sâu vào nội địa nước ta để thu thập tin tức tình báo và phá hoại. Tháng 8-1976, Cam-pu-chia dân chủ cắt đứt mọi quan hệ với Việt Nam, đồng thời ráo riết chuẩn bị tấn công quân sự quy mô lớn vào biên giới Tây Nam nước ta.

Trong tình hình ngày càng khẩn trương, tháng 4-1977, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu đang đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học CANDVT thì được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Tư lệnh CANDVT phụ trách công tác trinh sát. Trên cương vị Phó Tư lệnh, đồng chí cùng tập thể Bộ Tư lệnh thường xuyên có mặt tại biên giới Tây Nam, chỉ đạo và khẩn trương triển khai các mặt công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cho toàn lực lượng.

Đồng chí Hà Ngọc Tiếu trở lại công tác trinh sát chưa bao lâu thì vào những tháng cuối năm 1977, quân Cam-pu-chia dân chủ liên tục mở các cuộc tấn công vào nhiều khu vực, thực hiện giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Có nơi bị quân địch đánh đi đánh lại nhiều lần như ở Gia Lai, Đắk Lắk. Trong những ngày nóng bỏng ấy, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu luôn có mặt nơi chiến tuyến để chỉ đạo chiến đấu, cứu chữa người bị thương, khắc phục hậu quả chiến tranh, chủ động bảo vệ biên giới. Có những lần, trong không khí nồng nặc mùi bom đạn chiến trường, đồng chí đã trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng thu gom thi thể đồng đội và người dân chết vì các đợt tấn công của địch, đồng thời tổ chức chôn cất chu đáo. Đồng chí cũng chỉ đạo công tác trinh sát thực hiện có hiệu quả mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh trong đánh địch, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, giúp đỡ những người yêu nước Cam-pu-chia thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc Cam-pu-chia…
Ngọc Tuấn

Bình luận

ZALO