Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 01:59 GMT+7

Trùng Khánh... mùa hạt dẻ

Biên phòng - Chúng tôi lên Trùng Khánh, Cao Bằng khi chớm Đông sang. Cung đường đang cải tạo còn ngổn ngang đất đá khiến xe và người cứ vắt vẻo, ngả ngiêng như bị nhập đồng. Thời tiết hanh khô khiến bụi đường dày đặc và đỏ hồng màu đất núi. Đôi lúc lại thấy ánh lên những tia sáng rực rỡ hình nan quạt tán sắc từ vầng mặt trời vừa ló ra khỏi đỉnh núi phía trước.

Người dân Trùng Khánh thu hái trong rừng dẻ. Ảnh: Đắc Như

Đường xấu, chở nặng, nên xe vật vã bò tới một xóm nhỏ thì thấy bánh sau lật xật, xe phải dừng lại làm lốp. Mọi người xuống xe, xóm vắng hiu, nhà nhà đóng cửa, trong tầm mắt chẳng thấy quán nước nào nên mọi người tự động tản ra tìm chỗ trú nắng. Có một ngôi nhà lớn đổ bóng mát ra tới non nửa lòng đường, chúng tôi đi về hướng ấy.

Chừng mươi phút sau thấy một phụ nữ còn trẻ đi tới, tươi cười chào những người khách trú nắng, rồi mở khóa mời mọi người vào nhà. Nghe giọng nói, tôi đoán chị là người dân tộc thiểu số, nhưng có ai đó lại khẳng định người Kinh đây mà! “Không, cháu là người Tày đấy”. “Thế tên cháu là gì?”. “Nông Thị Hoa ạ”. “Tên đẹp quá, người cũng đẹp nữa!”. “Tên đẹp, nhưng người xấu mà!”. “Sai rồi, tên đẹp, người còn đẹp hơn!”... Mọi người cười rộ lên và cô chủ nhà mặt đỏ lự chạy đi lấy nước mời khách.

Trong nhà có tới 4 chiếc xe máy để rải rác đó đây, Hoa bảo đấy là xe của nhân viên mua bán hàng. “Nhân viên mua bán hàng gì thế?”. “Mùa nào hàng ấy, mùa hè thì trám đen, trám trắng, hết trám lại đến quả hồng, quả mận… Mùa này thì hạt dẻ, hạt dẻ hết lại đến tam thất thục địa... chẳng lúc nào hết hàng” - cô trả lời.

Nói đến hạt dẻ, mọi người sốt sắng vào mua. Bàn tay Nông Thị Hoa đếm thoăn thoắt cứ như múa, hết một mớ lại cho thêm mười hạt bảo là bù vào chỗ lép. Loáng cái thì hai thúng đã hết sạch. Lúc này, tôi mới chợt nghĩ, như thế là mình đang đứng giữa cái rốn của vùng trồng hạt dẻ nổi tiếng nhất nước đây. Hạt dẻ Trùng Khánh thì đã được thưởng thức vài lần, đủ để ghi nhớ cái hương vị thanh thảo, ngậy bùi riêng có, nhưng cây của nó và quả của nó như thế nào thì đúng là chưa bao giờ được biết. Không lên Trùng Khánh thì thôi, chứ lên rồi mà không được mục sở thị sờ tận cây, day tận quả, nghe ra cũng thấy vô lý thế nào!

Tôi đem điều áy náy hỏi Nông Thị Hoa, cô chỉ ra hướng cửa sau và bảo đấy là vườn dẻ của nhà. Bước ra sân mới thấy ngỡ ngàng, không phải là vườn mà thực ra là một cánh rừng. Cây dẻ nhìn cành lá bề ngoài thấy hơi hơi giống như cây hoa bằng lăng, lá to, cành nhỏ sum suê. Trên này đất rộng trồng thoáng, cây nọ cách cây kia trên dưới dăm mét. Ba trăm cây đã là hút tầm mắt, tiếp đấy là vườn nhà khác, rồi nhà khác nữa, hết đồi này sang núi nọ chỉ toàn dẻ là dẻ.

Rừng dẻ cuối mùa, trong tán lá bàng bạc đã thấy ánh lên chút sắc đỏ cuối thu và bụi hồng phủ như rây bột. Tịnh không thấy một chùm quả nào còn sót lại. Hoa bảo sang tháng sau, lá dẻ đỏ như cháy rừng rồi chỉ mấy tuần là rụng hết, sau Tết, cây mọc lá non, nở hoa thơm ngát cả vùng, bắt đầu mùa dẻ mới. Tôi lấy làm tiếc vì không được nhìn thấy quả dẻ hình thù nó ra làm sao thì cô chủ bảo, trong nhà vẫn còn. Vào nhà, cô lấy cái thang dựa vào thành gác lửng, chỉ cho biết trên đó đang cất quả dẻ để dành bán giống.

Tôi thận trọng từng bước trèo lên thang rồi đứng yên vị ở bậc thứ tư quan sát. Cả mặt sàn gác xép lát phên nứa rộng chừng ba chục mét vuông đã trở thành cái kho dự trữ. Trên những giàn khung tre ở gian bên trái treo không biết cơ man nào là các bắp ngô vỏ áo tơi lột ngược, ngô vàng, ngô trắng, ngô đỏ đủ loại. Khoảng trống ở giữa rộng chừng hai chiếc chiếu đôi được rải một lớp dầy những quả khô đầy gai màu vàng nhạt, trông khá giống với quả chôm chôm, nhưng phải to gấp rưỡi, gấp đôi. Tôi thò tay nhặt lên một quả định tách hạt ra xem thì phải vứt ngay xuống. Những cái gai cứng và nhọn như kim khâu tua tủa bao bọc quanh quả dẻ đâm vào tay buốt nhói như ong đốt.

Lần thứ hai, tôi chọn một quả đã tách hẳn làm đôi, thận trọng bửa ra xem, hai viên hạt nâu bóng to bằng đầu ngón tay ôm khít lấy nhau thành một khối tròn nằm gọn trong lòng vỏ cứng. Tôi lấy máy ảnh chụp toàn cảnh đám quả dẻ trong kho và chụp cận cảnh những viên hạt đang ngủ vùi trong chiếc nôi gai, tưởng tượng ra đó là giấc ngủ đợi chờ cho một mùa sinh hạ mới của những cánh rừng hạt dẻ xanh mướt nay mai.

Hạt dẻ vào mùa. Ảnh: Đắc Như

Nhà thứ hai tôi vào cách đấy không xa. Nhà nhỏ nằm lùi vào giữa vườn cây dẻ um tùm. Lúc vào đã thấy mấy chị cùng đoàn ngồi uống nước. Thấy tôi, anh chủ nhà Nông Văn Mỉnh đứng dậy, vồn vã kéo xuống ghế bảo mấy cô đàn bà này không uống được rượu, may quá có bác đàn ông đây rồi, đoạn dúi vào tay tôi một chén rượu trắng rót sẵn, chủ nhà nâng chén của mình chĩa vào tôi rồi hướng về mấy ông hàng xóm ngồi đối diện. “Dô”, tất cả ngửa cổ làm một hơi. Tôi uống chén thứ hai để có cớ lấy đà chuyển sang chuyện cây dẻ.

Chủ nhà cho biết, cây dẻ mỗi năm chỉ có một vụ, cây khỏe, cho năng suất khoảng 20 đến 25 cân hạt, cây già yếu thì chỉ trên dưới chục cân. Vườn nhà anh 500 cây, mọi năm cũng được 8 đến 9 tạ hạt, chỉ có năm nay là được 10 tạ thôi. Hỏi giá thì bảo cũng không đều, nhưng bán nhiều tại gốc thường cũng được ba chục nghìn một cân, đem lên chợ Trùng Khánh có khi được bốn chục, hơn bốn chục.

Vui chuyện, Mỉnh còn cho biết, nhà anh vườn ít chỉ trồng được thế thôi. Tôi hỏi các nhà khác thế nào? Anh bảo, xóm có hơn năm chục hộ, nhà nào cũng có vườn dẻ, những nhà đất rộng có bảy tám trăm, một nghìn cây. Nhiều nhà nay vẫn trồng ngô, trồng lúa, nhưng đất ngô lúa ít dần, mấy năm trở lại đây, họ rủ nhau chuyển sang trồng dẻ thu nhập cao hơn. Bây giờ, dẻ trồng bao nhiêu cũng không đủ bán, trong Nam ra đây mua nhiều lắm nhé, nghe nói, họ còn xuất khẩu sang nước khác cơ đấy. Rồi Mỉnh khoe, sau Tết này, nhà anh cũng trồng thêm hai trăm cây nữa ở trong núi, ở đấy, đất không tốt bằng, nhưng ở đây hết đất rồi, mua lại thì đắt lắm không có tiền!

Ngắm nhìn những cánh rừng dẻ lướt ngoài cửa xe, tôi lại miên man nghĩ về những vùng cây quả khác mình đã có dịp đi qua. Na dai Đồng Bành, vải thiều Lục Ngạn, thanh long Phan Rang, nho ngọt Bình Thuận, hạt điều Bình Phước…, nhiều và còn nhiều thế nữa. Cũng giống như hạt dẻ Trùng Khánh nơi đây, dường như tất thảy chúng đều được mọc lên từ những mảnh đất cằn khô cát sỏi và đều do những người nông dân lam lũ đen sạm nắng gió khai phá vun trồng.

Trong nghĩ suy thuần phác thường nhật của những con người bình dị ấy, nhãn tiền chỉ một niềm đau đáu phải tìm cách làm sao cho vợ chồng, con cái có đủ cơm ăn áo mặc, con trẻ được học hành, gia cảnh thoát được kiếp nạn nghèo hèn đeo bám bấy nay. Và chính họ đã làm sống lại mảnh không gian thanh bình cho những miền quê, nơi trú ngụ cuối cùng của những nét đẹp thanh khiết thuần Việt dưới những tán lá xanh mướt cây đời.

Nhà văn Nguyễn Đắc Như

Bình luận

ZALO