Biên phòng - Nói một cách triết lý: Khi vấp phải một cú sốc và vượt qua nó để tồn tại, ý thức ngăn chặn nó tái diễn luôn thường trực. Đối với một dân tộc, tinh thần sẵn sàng đấu tranh và hy sinh chính là lực dẫn động cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Tại Trung Đông, cùng với lịch sử, mục tiêu cao cả chính là bảo vệ biên giới lãnh thổ. Nhưng điều đó cũng đang là tương đối trong bối cảnh môi trường địa chính trị đang thay đổi hơn bao giờ hết.

Đã 100 năm kể từ khi những đường nét của Trung Đông đương đại lần đầu tiên định hình. Anh và Pháp- các nước chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất - bắt đầu phân chia những tàn dư của đế chế Ottoman chiến bại. Những đường biên giới họ vẽ nên vẫn tồn tại cho đến ngày nay; các trật tự chính trị họ thiết lập đã phát triển nhưng chưa bao giờ hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài, dẫn đến xuất hiện tràn lan các hệ thống nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Chinh phục chế độ và lãnh thổ
Có hai ví dụ gần đây có thể kể đến. Một là cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd ở Iraq vào tháng 9-2017. Đây được coi là một sự tính toán rất sai thời điểm. Và hai là các cuộc nổi dậy thất bại ở Arab, theo đó các lực lượng tìm cách lật đổ các hệ thống nhà nước được tạo ra sau khi đế chế Ottoman sụp đổ (hệ thống đã phát triển trong 100 năm kể từ đó nhưng hoạt động sai chức năng và cuối cùng đã mất đi tính hợp pháp mỏng manh cuối cùng).
Hai chuỗi sự kiện này diễn ra riêng rẽ nhưng cũng có liên quan với nhau: trật tự nhà nước Arab sụp đổ đã khuyến khích người Kurd tin rằng họ có thể gấp rút thúc đẩy tham vọng đạt được địa vị nhà nước của họ. Nhưng cả hai đều ngày càng hoạt động sai chức năng. Khi các cuộc nổi dậy Arab nổ ra vào năm 2011, điều thúc đẩy những người phản kháng không phải là biên giới các quốc gia của họ mà là do bản chất của các thỏa thuận cai trị, những điều bị cho là đã nuôi dưỡng tính gia đình trị, chủ nghĩa thân hữu và các hình thức tham nhũng khác.
Công cuộc tìm kiếm sự thay đổi ở các đường biên giới đến từ hai đối tượng: người Kurd, những người theo đuổi địa vị nhà nước trong suốt một thế kỷ; và các thành viên Nhà nước Hồi giáo (IS), lực lượng vào tháng 6-2014 đã kỷ niệm việc họ phá vỡ biên giới Iraq - Syria như là bước đầu tiên hướng tới thành lập một nhà nước Hồi giáo toàn cầu. Cả hai tổ chức này đều không thể chứng thực sự bền vững của biên giới trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA).
Vào tháng 9-2017, Masoud Barzani, thủ lĩnh khu vực người Kurd ở Iraq, đã gạt sang bên mọi sự phản đối, kể cả từ các đồng minh (Mỹ, các chính phủ châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ), và tảng lờ những mối đe dọa từ các kẻ thù của ông (chính phủ liên bang ở Iraq cũng như Iraq). Tuy nhiên, ông đã đánh giá sai sức mạnh lâu bền của các trào lưu dân tộc chủ nghĩa ở Iraq và Syria, ảnh hưởng đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ lên nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của người Kurd, việc Iraq quyết tâm triển khai các lực lượng ủy nhiệm nhằm ngăn chặn người Kurd dời bỏ Iraq và việc Washington sẵn sàng dung thứ cho các biện pháp chống trả phối hợp của các nhân tố trên do lợi ích quan trọng hơn của nước này trong việc duy trì sự thống nhất lãnh thổ của Iraq.
Và kết quả, lực lượng người Kurd buộc phải rút lực lượng an ninh của họ khỏi các vùng lãnh thổ Iraq, bao gồm cả Kirkuk, nơi có nguồn dầu mỏ dồi dào giúp tạo nên động lực thúc đẩy tự lực về kinh tế, cản trở tham vọng chính trị của họ trong nhiều thập kỷ.

Tham vọng về lãnh thổ của IS cũng bị thất bại nhưng theo nhiều cách khác nhau. Tổ chức này đã bị mắc kẹt trong quyết định chiến lược của mình khởi động dự án từ một cơ sở lãnh thổ - thay vì tìm cách xây dựng một phong trào phân tán về mặt địa lý mà sẽ khó nhắm mục tiêu hơn, chẳng hạn như al-Qaeda và các nhánh khác của nó đã làm. Vào cuối năm 2017, các tay súng IS phần lớn bị đẩy khỏi Iraq và Syria và đường biên giới được khôi phục. Tổ chức này vẫn có thể sống sót, nuôi dưỡng âm mưu phục thù, nhưng không chắc rằng nó có thể sớm khôi phục lại Vương quốc Hồi giáo thông qua chinh phục lãnh thổ.
Biên giới có thay đổi?
Chiến tranh thế giới thứ nhất là một trong loạt sự kiện gây chấn động. Chiến tranh thế giới thứ hai cũng vậy, dẫn đến việc thành lập Liên minh châu Âu (sự củng cố dần các quốc gia dân tộc thành một đơn vị duy nhất, với các đường biên giới lần lượt từng phần được xóa bỏ theo thời gian). Kết quả của cuộc chiến tranh này cũng đã dẫn đến việc phân chia nước Đức thành hai nhà nước riêng biệt. Họ tái thống nhất một cách hòa bình chỉ khi Liên Xô sụp đổ hơn 4 thập kỷ sau đó. Việc Liên Xô tan rã cũng cho phép người Séc và người Slovakia chia tay một cách thân thiện.
Ở những nơi khác, các nhà nước và các đường biên giới mới rơi vào chiến tranh, chẳng hạn như ở vùng Balkan và Sudan/Nam Sudan. Ngay cả bên trong châu Âu, những xu hướng ly khai từ lâu đã chứa đựng sự tàn phá lại bắt đầu tăng tốc. Hãy chứng kiến những tiến triển ở vùng Catalonia (Tây Ban Nha) vào năm 2017.
Khi người Kurd ở Iraq chứng kiến Iraq suy yếu sau năm 2003, Syria tan biến vào cuộc nội chiến sau năm 2011, và Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiều hướng mang tính tự vẫn sau năm 2015; và khi họ khai thác thành công nhu cầu của các quốc gia phương Tây cần các lực lượng mặt đất ở địa phương để chiến đấu với IS sau năm 2014, họ nghĩ thời khắc của họ đã đến. Tuy nhiên, thế giới được định hình bởi sự tương tác cả bên trong lẫn bên ngoài. Tại Trung Đông hay nhiều nơi khác nữa, có một thế giới bên ngoài mạnh mẽ hơn nhiều về kinh tế và quân sự, và có thể giải quyết vấn đề bên trong thông qua những sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, đôi khi bằng “lời mời”. Gần đây nhất là Nga ở Syria vào năm 2015.
Tất nhiên, các đường biên giới sẽ lại thay đổi, kể cả ở Trung Đông, nhưng có thể cần có một sự kiện gây chấn động trước khi điều đó xảy ra. Trong khi chờ đợi, lời giải đáp cho các đường biên giới còn tranh cãi có thể đến từ việc xây dựng các thỏa thuận chính trị hoạt động tốt hơn, dựa trên những giao ước xã hội hậu xung đột được sửa đổi và được trang bị các cấu trúc quản lý có thể điều chỉnh một cách công bằng những nhu cầu rất đa dạng của người dân và có thể xử lý các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Điều này có thể là bất khả thi, nhưng khi các xã hội Trung Đông bắt đầu tự kéo mình ra khỏi xung đột, như Iraq dường như đang làm hôm nay, đó là những vấn đề cần giải quyết. Cách thức họ trả lời sẽ xác định bản chất của các trật tự và các đường biên giới của khu vực trong tương lai.
Hồng Ngọc