Biên phòng - Sáng 13-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ miền Trung.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào lúc 4 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía Bắc Đông Bắc và cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 750km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 4 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển tỉnh Nghệ An khoảng 320km, sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 107 đến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Về tình hình mưa, ngày 13-10, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 70mm; riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều nay mưa giảm dần.
Dự báo, từ ngày 14 đến 16-10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, từ 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Trong khi đó, tính đến 22 giờ ngày 12-10, có 217 xã, phường/111.329 hộ bị ngập (tăng 41 xã, phường/17.052 hộ so với báo cáo ngày 11-10), độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,5m (Quảng Bình 15 xã, Quảng Trị 81 xã, Thừa Thiên Huế 115 xã/phường, Đà Nẵng 6 xã/phường).

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết, tính đến 6 giờ ngày 13-10, các đơn vị BĐBP từ Quảng Ninh đến Bình Định đã duy trì thường trực 6.271 cán bộ, chiến sĩ/230 phương tiện phối hợp với các lực lượng kêu gọi, sắp xếp, kêu gọi tàu thuyền, đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu. Đồng thời, các đơn vị BĐBP đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.324 phương tiện/229.646 lao động.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 22 giờ ngày 12-10, đã tổ chức sơ tán 21.785hộ/66.569 người (Quảng Bình 801 hộ/2.694 người, Quảng Trị 7.689hộ/23.029 người, Thừa Thiên Huế 11.608hộ/35.435người, Đà Nẵng 901 hộ/3.036người; Quảng Nam 533 hộ/1.677người, Quảng Ngãi 253 hộ/698 người).
Về thiệt hại, tính đến 22 giờ ngày 12-10, thiên tai đã làm 28 người chết (22 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ); 12 người mất tích (8 người do lũ cuốn, 4 thuyền viên trên biển); 415 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 131.077 nhà bị ngập.
Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình 3.000 tấn; Quảng Trị 1.500 tấn; Thừa Thiên Huế 1.000 tấn; Quảng Nam 1.000 tấn); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị 1,5; Thừa Thiên Huế 2,0; Quảng Nam 2,0); 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế 10.000, Quảng Nam 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, hiện nay thiên tai có diễn biến cực kì nguy hiểm, với bão số 7 trên biển đông, mưa lớn tiếp tục làm mực nước các sông cao, trên mức báo động 3, đồng thời, tình hình ngập lụt tiếp tục diễn ra, ngập sâu, xuất hiện sạt lở khu vực miền núi.
Ông Vũ Xuân Thành cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đặc biệt là công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới.
Trong đó lưu ý, đối với các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần tập trung đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu; tiếp tục chằng chống nhà cửa, cây to; di dời dân ở khu vực xung yếu, thấp trũng...
Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển; quản lý, hướng dẫn tàu thuyền đang neo đậu, nhất là tàu vận tải, tàu neo đậu ở khu vực cửa sông.
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản.
Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đầy nước.
Thùy Trang