Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Xuôi ngược vùng bão tố:

Trừ nỗi sợ từ sông Leng

Biên phòng - Vừa nghe tiếng gió hú trong đêm bão dữ Molave ập vào bờ biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào sáng 28-10 xong, thì lại nghe tin vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ở vùng rừng núi xa xôi này, tiếng suối róc rách tuôn nước đục ngầu từ khe núi đầy đe dọa. Nhưng cảm giác đau lòng nhất là tiếng khóc trộn lẫn tiếng than vãn “no tước ô bây” (người ở đâu, người ơi hãy về) của đồng bào Ca Dong. Phong tục địa phương ở đây rất kỵ việc có người chết sông, chết suối, nhưng hiện nay có đến 13 người chưa tìm thấy thì nỗi sợ hãi của người dân lớn biết nhường nào.

Bà Hồ Thị Hồng khóc và nói lời nỉ non kêu gọi người mất hãy chỉ chỗ để tìm kiếm. Ảnh: Văn Chương

Gọi người chết

Mưa tí tách rơi trên tấm bạt căng trên túp lều nhỏ nằm cạnh khu vực đang đào xới, tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở thôn 1 xã Trà Leng. Dưới chân là bùn nhão, mỗi bước đi đều phát ra âm thanh ọp ẹp, nhão nhoét. Cái lạnh thấm vào người khi mưa rừng ào xuống rồi lại tạnh ráo một cách thất thường. Bà Hồ Thị Hồng ngồi trong túp lều gần 2 nấm mộ và mếu máo khóc. Trong tiếng khóc của bà và nhiều người còn có tiếng gọi, than thở, than trách một người nào đó. Tôi hỏi ra và được biết, đó là lời kêu gọi người đã khuất hãy trở về, hãy báo mộng chỉ cho người sống chỗ người chết đang nằm.

Đối với người đồng bào vùng cao Quảng Nam, khi có người chết núi, chết sông mà không tìm được xác thì đó là điều xúi quẩy. Đi dọc dòng sông Leng, thỉnh thoảng nhìn lên sườn núi vẫn thấp thoáng khu mộ chôn người đã mất. Những thanh niên trong làng kể lại, khi khiêng người chết đi chôn, ai cũng không muốn mình là người trở về sau cùng, vì sợ ma chết sẽ theo về nhà. Vậy là lúc chôn cất, mọi người thò tay lùa đất, nhưng chân vẫn trong tư thế sẵn sàng chạy trước. Vì vậy mới có chuyện kiểm lâm đi rừng cứ thấy mộ chôn dở thì phải lấp đất cho đầy.

Ở vùng rừng núi Trà Leng, nhiều chục năm trước, khi đời sống khó khăn, phụ nữ phải sinh nở ngay tại bản thì thỉnh thoảng vẫn xảy ra cái chết do bệnh tật. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ người dân lại chứng kiếm thảm nạn như vụ sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng vào chiều 28-10. Khi bộ đội cùng xe múc tổ chức quật hết đất, đá, cây nằm ngổn ngang trên nền đất cũ của thôn 1 thì người dân hồi hộp nghe ngóng thông tin. Việc tìm kiếm ra xác người chết là vô cùng quan trọng. Một thanh niên cho biết, chưa tìm ra người thì người ta còn sợ, không dám lên rẫy.

Ông Lê Ngọc Hà, người đồng bào dân tộc Ca Dong cho biết: “Mấy năm trước, người ta kiêng cữ tới mức, ai đi tìm người chết thì không được bước vào nhà, vì sợ ma người chết về theo, vì vậy phải vào hội trường thôn ở tạm; có khi người ta còn đốt một đống lửa bên suối, sau đó nhảy qua nhảy lại cho hết vận xui rồi mới về nhà”. Ông Hà kể chuyện về phong tục của đồng bào và cho biết, hiện nay việc kiêng cữ cũng giảm bớt, ông và nhiều thanh niên đã tổ chức tự đi tìm kiếm người mất tích ở dọc sông Leng.

Ăn mì sống

Những ngày tìm kiếm 13 người mất tích ở Trà Leng cứ phải dừng giữa chừng, do nhiều cơn bão ập vào, mưa đổ như trút. Mỗi lần như vậy thì trong ánh mắt của người dân địa phương như hiện lên nỗi lo lắng, đầy hoang dại. Vì quá lo lắng, nên nhiều người bắt đầu thấy mộng mị. Con gái của chị Nguyễn Thị Hiền nói với mọi người về việc nằm ngủ mơ thấy báo mộng; một người dân làm nghề bán quán ở cầu Trà Leng cũng chia sẻ về việc có người mất nằm đâu đó cạnh bờ sông mà chị thấy trong giấc mơ.

Hiểu được nỗi đau của đồng bào, cộng với nỗi lo lắng phập phồng, khiến cho không khí của xóm làng càng trở nên u ám, lực lượng tìm kiếm trên sông Leng, bao gồm Quân đội, Công an, trong đó có sự tham gia của BĐBP Quảng Nam liên tục bám mặt sông bằng phương tiện ca nô, xuồng máy. Việc tìm kiếm trên sông Leng bắt đầu triển khai từ ngày 2-11. Sau khi máy xúc đã xới tung đống bùn lầy ở thôn 1, xã Trà Leng, nhưng dấu vết của các nạn nhân vẫn không tìm thấy.

Bữa cơm chan nước mưa của lực lượng tìm kiếm trên sông Leng. Ảnh: Văn Chương

Ngày đầu tiên triển khai tìm kiếm trên sông, chiếc ca nô của BĐBP Quảng Nam tiến sâu khoảng 1km vào vùng cỏ rác. Từ vị trí này, nếu ca nô đi thêm 1km nữa thì sẽ tới điểm rác, cây cối bị tuần xuống sông dày đến 1m và người có thể đi dạo trên mặt sông. Ngày 3-11, ca nô vẫn tiếp tục cách thức tìm kiếm như cũ, tuy nhiên, nước sông hạ thấp, đám cây, rác trên sông co lại, khiến chiều dày của đám rác trôi nổi càng dày hơn. Tốc độ tiến vào bãi rác của ca nô là 1 giờ đi được hơn 100m. Thông tin về việc tìm kiếm trên sông gặp khó khăn càng làm cho người Trà Leng lo lắng. Vì nếu quá lâu mà không phát hiện ra dấu vết thì thi thể người chết sẽ chìm trở lại xuống đáy sông.

Việc huy động nhiều thuyền tìm kiếm trên sông gặp khó khăn, vì vậy chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân tận xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, cách xã Trà Leng khoảng 50km, đi ngược dòng lên xã Trà Leng để tham gia tìm kiếm. Mỗi khi cho thuyền tiến vào vùng cỏ rác thì chiếc thuyền giống như bị “cầm tù” và việc trở ra để xuôi về bến đỗ cho anh em ăn cơm trưa là không hề đơn giản. Vì vậy, những người dân tham gia tìm kiếm và BĐBP đã phải chia nhau từng bát cơm. Có khi nửa buổi, anh em dân quân đi trên thuyền rút trong túi ra gói mì tôm sống ăn và uống nước để có sức chèo chống.

Chờ ra đa quạ

Hiện trường củi, gỗ, rác lấp đầy trên mặt sông Leng cũng rất giống hiện trường ở vùng sạt lở ở một số địa bàn miền núi khác ở tỉnh Quảng Nam. BĐBP Quảng Nam đưa 2 ca nô, cử cán bộ,chiến sĩ tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, việc vận hành ca nô chạy trên mặt sông đã đóng băng củi, rác, gỗ là tình huống chưa từng được dạy trong giáo trình, hết sức lạ lẫm. Ca nô biên phòng nhích chậm chạp tới mức 1 giờ đi được khoảng 100m.

Nhà báo Mai Thanh Hải, báo Thanh niên mua lương thực, rau xanh, áo mưa để tặng BĐBP đang tham gia tìm kiếm người mất tích ở Trà Leng. Ảnh: Văn Chương

Những ngày tìm kiếm, anh em BĐBP phải nghĩ ra cách là lắng tai để nghe tiếng quạ kêu lúc xa, lúc gần. Thường có xác chết thì quạ sẽ tập trung đến và có thể định vị những vị trí này để tập trung tìm kiếm sâu. Bên cạnh đó là cố gắng ngửi mùi. Trong lúc chèo thuyền trên sông, những người tìm kiếm lại hỏi vọng sang thuyền nhau rằng “có thấy mùi gì khác lạ hay không?”.

Đi từ miền biển lên rừng, đến những điểm nóng như Trạm kiểm lâm 67 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng chưa nơi nào tôi chứng kiến cảnh khóc lóc kéo dài cùng tiếng kêu than như ở Trà Leng. Những người lính nghe tiếng khóc, vội vã quay lưng, xuống ca nô để tiếp tục đi dọc sông với hy vọng tìm được manh mối của người đã khuất để trừ đi nỗi sợ từ sông Leng.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO