Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

“Trụ đỡ” trước đại dịch

Biên phòng - Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây đình trệ hoạt động thương mại toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm vẫn đạt gần 15,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu gần 3 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước.

anh-cover
Nông nghiệp luôn đóng vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam.

Con số trên không chỉ ghi nhận Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có thể duy trì tăng trưởng trước “cú sốc” của đại dịch Covid-19, mà còn khẳng định rõ hơn vai trò quan trọng của nông nghiệp. 

Thực tiễn nhiều năm qua, nông nghiệp không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế, mà còn đóng vai trò cốt yếu trong giữ vững ổn định và bảo đảm an sinh xã hội đất nước. Ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta không nhận thấy sự hoảng loạn trong cộng đồng. Bởi người dân được cung cấp đầy đủ về lương thực, thực phẩm, nhất là người nghèo được tạo điều kiện tốt nhất tiếp cận đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Đại dịch Covid-19 còn được xem là một liều thử mạnh về năng lực thích ứng của “tam nông” nước nhà. Thực tế, những tháng đầu năm 2020, nông nghiệp nước ta khó khăn chồng lên khó khăn: Dịch tả lợn châu Phi, cúm trên gia cầm gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi; mưa đá tại miền núi phía Bắc và hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long khiến hàng nghìn ha lúa, cây trồng bị thất thu... Đặc biệt, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, các mặt hàng nông sản xuất khẩu bị “đông cứng” và giảm sút nghiêm trọng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU.

Thế nhưng, ngành nông nghiệp đã kịp thời triển khai các phương án sản xuất, xuất khẩu theo các kịch bản ứng phó với dịch bệnh. Mặt khác, Chính phủ nỗ lực tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường, mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil, Saudi Arabia...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nông nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, chuyển hướng mạnh vào thị trường trong nước, kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, góp phần duy trì giữ vững tăng trưởng nông nghiệp ngay tại thị trường nội địa.

Hiện, tín hiệu sản xuất của toàn ngành nông nghiệp đang khá tốt. Chăn nuôi hồi phục nhanh, sản lượng lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn gạo trong năm 2020. Nhiều nông sản trong tháng 4 đã tăng giá trị xuất khẩu cao, điển hình như: Gạo đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,62 tỷ USD (tăng 15,9%)...

Dự báo thị trường nông sản tại Trung Quốc, Mỹ, EU sẽ phục hồi mạnh trong những tháng tiếp theo. Điều cần làm bây giờ là chúng ta phải đón lấy thời cơ để lấy lại đà tăng trưởng và bù đắp thiệt hại đã mất trong thời gian qua.

Theo các chuyên gia, trước mắt, các địa phương phải khai thác triệt để diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị bỏ ngỏ do dịch bệnh để tái sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã phải là đầu tàu đóng vai trò dẫn dắt, các nông hộ là vệ tinh sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã vùng sản xuất, mã số đóng gói... Có như vậy, chúng ta mới đón đầu được các đơn hàng và tiêu thụ được khối lượng nông sản lớn trên thị trường quốc tế.

Đi liền với thu hoạch và phân kỳ giao hàng, các hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực bảo quản, chế biến và xây dựng kho lạnh tại các vùng nguyên liệu, sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi đại dịch được khống chế.

Thiết nghĩ, dịch Covid-19 sẽ là khoảng lặng để chúng ta nhìn lại và thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản trong thời gian tới.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO