Biên phòng - Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp và khắc nghiệt, gây ra nhiều thiệt hại lớn hơn.
Bão, lũ, mưa lớn dồn dập, khốc liệt trong những ngày qua cho thấy nhiều quy luật khí hậu bị phá vỡ, khiến công tác khí tượng thủy văn (KTTV) gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra những dự báo, cảnh báo. Mặt khác, yêu cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho đất nước ngày càng đòi hỏi khả năng dự báo chính xác hơn trước sự vận động của thiên nhiên. Trọng trách đó đang đặt lên vai những người làm công tác trong ngành KTTV với niềm tin và sự kỳ vọng to lớn.
Cần phải khẳng định, công tác dự báo KTTV những năm gần đây đã từng bước được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, kể cả trong phòng chống thiên tai và ứng dụng thông tin vào sản xuất hàng ngày của các cơ quan, ngành, địa phương.
Thực tế, các cảnh báo, dự báo về thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trước nhiều tháng đã giúp các địa phương Trung bộ và Nam bộ chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong năm qua. Hay các dự báo, cảnh báo trước 3 - 5 ngày đối với bão, áp thấp nhiệt đới đã giúp cho công tác ứng phó trên biển tốt.
Nhiều năm nay, hầu như không có thiệt hại về người trên biển do thiếu thông tin hoặc dự báo sai lệch hướng bão. Gần nhất là bão số 9, nhờ dự báo tốt, nhận định sát thực tiễn nên các địa phương đã chủ động phòng chống, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho đất nước.
Minh chứng cho năng lực của KTTV Việt Nam là được Tổ chức Khí tượng thế giới tín nhiệm, giao nhiệm vụ thực hiện dự báo hỗ trợ hàng ngày cho các nước Đông Nam Á, về các thiên tai như bão, mưa lớn, gió mạnh, lũ quét.
Mặc dù vậy, dự báo một số thiên tai có quy mô nhỏ, diễn ra nhanh trong phạm vi hẹp thì độ tin cậy vẫn chưa được cao như: lốc, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Hạn chế này không chỉ ở Việt Nam mà cũng đang là vấn đề của các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, do các thiên tai luôn có sự biến động rất mạnh, bất liên tục theo không gian và thời gian.
Việt Nam hiện có 9 Đài KTTV khu vực, 168 trạm khí tượng bề mặt, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, 6 trạm radar thời tiết, 3 trạm thám không vô tuyến, 231 trạm thủy văn, 17 trạm KTTV biển, 154 trạm và điểm đo môi trường không khí và nước.
Theo các nhà khoa học, mạng lưới quan trắc của chúng ta còn thưa ở vùng núi và vùng biển nên công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng xảy ra nhanh, cục bộ như giông sét, mưa lũ lớn cục bộ và lũ quét, sạt lở đất vùng núi và cường độ bão ở trên biển đang còn nhiều bất cập.
Ngành KTTV đang hướng tới các thiên tai sẽ được cảnh báo sớm hơn, mức chi tiết trước mắt cần đạt đến cấp huyện, sau đó đến cấp xã trên phạm vi toàn quốc và đảm bảo độ tin cậy với tất cả các dự báo, đặc biệt là với các loại thiên tai có thể thiệt hại về người.
Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tăng mật độ trạm, tăng cường trang thiết bị tính toán, siêu máy tính, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành đủ năng lực, kinh nghiệm vận hành trang thiết bị, công nghệ mới.
Chỉ khi ngành KTTV giải quyết được những khó khăn thách thức cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nhân lực, chúng ta mới làm chủ được công tác dự báo hiện đại, tiếp cận định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của các hiện tượng và thiên tai KTTV đến các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
Thiết nghĩ, đầu tư cho ngành KTTV cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về KTTV, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng biến đổi khí hậu.
Thanh Thảo