Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Trọng trách tạo ra bước tiến lớn cho ASEAN

Biên phòng - Bắt đầu từ ngày 1-1-2020, Việt Nam sẽ gánh vác trọng trách lớn trong khu vực với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020. Năm 2020 cũng là năm thứ 25 Việt Nam tham gia vào ASEAN, mở ra những cơ hội để chứng minh với bạn bè quốc tế về tư cách của một thành viên tích cực, có trách nhiệm cao trong ASEAN, nhất là khi Việt Nam cũng đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

bfxg_26a
Quang cảnh tọa đàm “Đưa ASEAN phát triển xa hơn: Từ nhiệm kỳ Chủ tịch của Thái Lan 2019 đến ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam 2020”. Ảnh: TTXVN

Củng cố nội lực ASEAN

Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhất cho cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó có sự tích cực tham vấn kinh nghiệm từ Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan. Mới đây, tại buổi tọa đàm “Đưa ASEAN phát triển xa hơn: Từ nhiệm kỳ Chủ tịch của Thái Lan 2019 đến ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam 2020”, diễn ra vào ngày 23-12, tại Hà Nội, do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng các quan chức cao cấp ASEAN của Việt Nam (Trưởng SOM ASEAN Việt Nam), Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, Chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là sự tiếp nối những thành tựu ASEAN đạt được. Trong đó, Việt Nam tạo ra dấu ấn riêng khi xác định mục tiêu cần tập trung là tăng cường sức mạnh của ASEAN từ bên trong, củng cố sự đoàn kết, thúc đẩy phát triển nội khối,...

Ông Sihasak Puangketkaew, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, nguyên Trưởng SOM ASEAN Thái Lan cho biết, trong thời điểm rất quan trọng này, Thái Lan và các nước ASEAN đánh giá cao phương hướng của Việt Nam, đồng thời đặt nhiều hy vọng đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN sẽ đưa những đàm phán còn dang dở trong năm 2019 đi đến thành công, nhất là với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nhìn nhận những thách thức đang đặt ra cho khu vực hiện nay là sự biến động khó lường của quốc tế, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ đe dọa chủ nghĩa đa phương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Ngoài ra, trong năm bản lề 2020, Việt Nam cũng sẽ đảm đương nhiệm vụ kiểm điểm giữa nhiệm kỳ về Tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025 của ASEAN.

Các đại biểu đánh giá, trước những thách thức hiện hữu, các nước ASEAN cần chú trọng tới vị thế trung tâm của mình, hài hòa trong mối quan hệ đối với các quốc gia ngoài khu vực. Để làm được điều này, hơn lúc nào hết, các nước ASEAN phải thắt chặt sự đoàn kết, gắn lợi ích của mỗi quốc gia với lợi ích chung của ASEAN, từ đó nâng cao sức mạnh tập thể, đảm bảo sự chủ động trong ứng phó kịp thời và phù hợp với diễn biến phức tạp của thế giới nói chung và khu vực nói riêng.

Trên thực tế, thời gian qua ghi nhận hàng loạt sự bất ổn giữa các nước lớn trên thế giới, nhất là những cuộc xung đột kinh tế, nhưng 10 nước ASEAN đều giữ được vị thế của mình, đảm bảo được sự an toàn chung cho tập thể, đảm bảo các mối quan hệ quốc tế tốt đẹp. Dù đứng trước nhiều thách thức, ASEAN vẫn luôn cùng nhau kiên định và quyết tâm trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực.

Chính vì vậy, dù diễn biến quốc tế ngày càng khó lường, thì sự hài hòa này càng cần phải được tiếp nối ổn định. Tại các diễn đàn ASEAN với các nước lớn như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, hay ADMM+, các thành viên ASEAN cần củng cố nội lực nhằm duy trì tiếng nói và vị thế trung tâm của cộng đồng ASEAN.

Nâng cao vị thế quốc tế

Từng là một trong những nền kinh tế nhỏ trong ASEAN, Việt Nam đã có những bước tiến lớn về hiện đại hóa kinh tế, vươn lên mạnh mẽ trong sản xuất và là trung tâm đầy triển vọng cho các ngành dịch vụ. Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam luôn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực về tăng trưởng GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng thu nhập trung bình của người dân.

Trước đây, Việt Nam từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên vào năm 2010. Thời điểm đó, Việt Nam đã thể hiện cho quốc tế thấy, không chỉ hoàn thành tốt trọng trách đối với khu vực, Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam còn ghi dấu ấn lớn của ASEAN đối với thế giới khi góp phần hữu hiệu trong việc giải quyết hàng loạt thách thức chung vào thời điểm đó.

Sau một thập niên ASEAN phát triển mạnh mẽ cùng những diễn biến quốc tế phức tạp mới đang đặt ra những thách thức mới cho Chủ tịch ASEAN, nhưng cũng đem lại rất nhiều cơ hội. Sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua đã phần nào nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, khẳng định được năng lực tiến bộ đáng kể. 

Chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, chủ đề này khẳng định nỗ lực xây dựng sự đoàn kết, tăng cường tính trung tâm, nâng cao vị thế quốc tế nhằm ứng phó hiệu quả trước những biến động của thế giới. 

v4zb_26b
Trình chiếu video giới thiệu về Việt Nam tại lễ bàn giao Chủ tịch ASEAN năm 2020 cho Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, những ưu tiên được Việt Nam thúc đẩy là duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết kinh tế sâu rộng, kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác. Đồng thời thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng, nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc, luật chơi mới của khu vực và thế giới. Mặt khác, nâng cao năng lực thích ứng và cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Nhiều chuyên gia nhận định, với vai trò kép trong năm 2020 là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ cần nỗ lực rất lớn nhằm đảm đương tốt 2 trọng trách này, đặc biệt là tạo ra những bước tiến mới cho ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO