Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 03:19 GMT+7

Trọng trách nặng nề

Biên phòng - Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đang có chuyến công du kéo dài một tuần lễ tới ba nước Đông Bắc Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chuyến thăm này của ông Giô Bai-đơn nằm trong chủ trương của chính quyền Ba-rắc Ô-ba-ma coi khu vực châu Á là trọng tâm của chương trình nghị sự đối ngoại. Tuy nhiên, ông Bai-đơn còn mang thêm một trọng trách nặng nề khác, đó là làm "nhà trung gian hòa giải bất đắc dĩ" giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

600_11a.gif
Phó Tổng thống Giô Bai-đơn (bên trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 4-12, tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á của Phó Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực gia tăng sau ngày 23-11, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Xen-ca-cư mà Nhật Bản đang quản lý; đồng thời chồng lấn lên cả vùng phòng không của Hàn Quốc. Tuyên bố thiết lập ADIZ trên đã gây phản ứng mạnh mẽ từ một loạt quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Vì vậy, trọng trách dồn lên vai Phó Tổng thống Bai-đơn trong chuyến thăm lần này sẽ vô cùng nặng nề, nhất là việc vừa phải kiềm chế căng thẳng với Bắc Kinh, vừa trấn an Tô-ki-ô trước những thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc. Ông Giô Bai-đơn trở thành một "nhà trung gian hòa giải bất đắc dĩ". 

Tại Tô-ki-ô, Phó Tổng thống Bai-đơn và Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã tái khẳng định vai trò then chốt của đồng minh Nhật - Mỹ đối với hòa bình và ổn định khu vực. Trả lời phỏng vấn của báo chí sau cuộc gặp, ông Bai-đơn nhấn mạnh, Mỹ "quan ngại sâu sắc" về "ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực" của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và việc Trung Quốc thiết lập ADIZ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, làm cho nguy cơ xảy ra biến cố cũng như các tính toán sai lầm. Đồng thời, ông kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc đưa ra "các biện pháp kiểm soát khủng hoảng" và thiết lập "các kênh trao đổi thông tin hiệu quả" nhằm làm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang. Mỹ và Nhật Bản cũng nhất trí sẽ không bỏ qua "ý đồ thay đổi hiện trạng khu vực" của Trung Quốc cũng như "bất cứ hành động nào đe dọa an toàn hàng không dân dụng".

Thế nhưng tại Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ khó có thể lớn tiếng nói về ADIZ như ở Tô-ki-ô. Theo các nhà phân tích, lâu nay Oa-sinh-tơn vẫn nhiều lần tuyên bố sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải, nhưng riêng trong vấn đề Xen-ca-cư/Điếu Ngư, rõ ràng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Nhật Bản vẫn có phần nhiều hơn. Đây cũng là điều hiển nhiên vì "chiếc ô an ninh" của Mỹ dành cho Nhật Bản chưa bao giờ được đóng lại, trong khi những lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng gia tăng cùng với những hành động lấn lướt không có giới hạn của Bắc Kinh. Cũng vì thế mà trong vấn đề Xen-ca-cư/Điếu Ngư, Oa-sinh-tơn đã hơn một lần nói rằng, Mỹ coi quyền kiểm soát đảo tranh chấp là của Tô-ki-ô và phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật bao trùm vùng biển tranh chấp này.

Tuy nhiên, trước một "đối thủ đáng gờm" như Trung Quốc, ông Bai-đơn cũng chẳng dại gì quay lưng hoàn toàn với Bắc Kinh. Với tâm thế hiểu rõ rằng, Trung Quốc theo dõi chặt chẽ từng lời tuyên bố, từng hành động của mình ở Tô-ki-ô, nên tại Bắc Kinh, ông Bai-đơn chỉ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Mỹ về nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông. Cách phản ứng yếu ớt này không gây ảnh hưởng mấy đối với Bắc Kinh.

Rõ ràng, vấn đề ADIZ của Trung Quốc sẽ không dễ giải quyết khi các bên liên quan vẫn giữ các quan điểm của mình. Do đó, sứ mệnh của "nhà trung gian hòa giải bất đắc dĩ" Giô Bai-đơn trong chuyến thăm 3 nước Đông Bắc Á càng trở nên khó khăn hơn.
Kim Oanh

Bình luận

ZALO