Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Trồng sen trên đất lúa

Biên phòng - Tại xã biên giới Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, Kiên Giang, việc thâm canh lúa liên tục qua nhiều năm khiến đất suy kiệt, gần đây lại bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến giá thành sản xuất cao, giá lúa lại lên xuống thất thường nên nhiều người dân đã chuyển từ chuyên canh lúa sang trồng sen. Sau gần 1 năm thực hiện mô hình trồng sen trên nền đất lúa đã mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân tăng thêm thu nhập.

q2f9_13a
Bà Hồ Thị Phin thu hoạch gương sen sau gần 3 tháng chăm sóc. Ảnh: Hồ Phúc 

“Một vốn bốn lời”

Ông Nguyễn Khánh (sinh năm 1967), trú tại ấp Nha Sáp là một trong những nông dân đầu tiên của xã Vĩnh Điều chủ động thực hiện mô hình trồng sen trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với sự ham học hỏi, tìm tòi cái mới, nên khi chính quyền xã Vĩnh Điều khuyến khích người dân chuyển đổi một phần đất mô hình trồng lúa sang trồng sen, ông Khánh đã cất công đến tỉnh An Giang để tìm hiểu về mô hình trồng sen của địa phương này. Đến cuối năm 2018, ông Khánh đã chuyển 3/13ha đất lúa sang trồng sen lấy gương (mỗi ha bằng 10 công, mỗi công bằng 1.000 mét vuông).

Ông Khánh nói: “Mấy năm gần đây, tôi nhận thấy chi phí sản xuất lúa cứ tăng thêm mà sản lượng lại sụt giảm. Hai vụ hè thu và thu đông thường bị dịch bệnh, phải sử dụng thuốc, lại tốn thêm khoản bơm rút nước, giá bán lại bấp bênh...Trong khi trồng sen bước đầu cho thấy một số lợi ích như: Ít rủi ro, đầu ra ổn định, thu nhập cao hơn trồng lúa, giúp cải tạo được nguồn nước nhiễm phèn. Chi phí đầu tư trồng sen khoảng 1,5 triệu đồng trên một công, chỉ bằng một nửa đầu tư trồng lúa, trong khi đó lại không tốn công chăm sóc nhiều. Bởi qua thực tế, cây sen dễ trồng, ít sâu bệnh và rất phù hợp với vùng đất này. Đặc biệt, sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc sẽ bắt đầu thu hoạch gương sen và liên tục khoảng 3 tháng. Tính trung bình, mỗi 1ha sen, trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng”.

Cũng nhờ hiệu quả kinh tế thu được đã khiến nhiều bà con ở đây thay đổi cách nghĩ và học tập ông Khánh. Ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ mua giống giúp bà con. “Từ hiệu quả bước đầu của 3ha sen, tôi cũng sẽ xem xét phương án chuyển đổi những diện tích lúa còn lại có đất để chuyển sang trồng sen nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình”, ông Khánh cho hay. 

Cũng là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi đất từ trồng lúa sang trồng sen ở xã Vĩnh Điều, bà Hồ Thị Phin (sinh năm 1960), trú tại ấp Nha Sáp đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ đất sản xuất lúa sang mô hình trồng sen lấy gương, bước đầu phát huy hiệu quả. Bà cho biết, gia đình có 3ha sản xuất lúa 3 vụ/năm, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, làm lúa phải đầu tư nhiều, tốn công chăm sóc mà lại lãi không nhiều, có năm còn lỗ. Vì vậy, bà đã bàn với chồng quyết định chuyển đổi 3ha đất lúa sang trồng sen lấy gương.

Bà Phin chia sẻ: “Vụ lúa đông xuân trước, gia đình tôi trồng lúa không có lãi nên vụ hè thu này, tôi chuyển sang trồng sen và thấy có hiệu quả hơn. Sen dễ trồng, cho năng suất cao mà giá cả lại không bấp bênh như cây lúa. Hơn nữa, người trồng sen chúng tôi không lo lắng đầu ra, vì thu hoạch sen đến đâu, thương lái ở An Giang sang mua hết đến đó”.

Tạo thêm việc làm

Tính đến thời điểm hiện tại, xã Vĩnh Điều đã có 11 hộ dân chuyển đổi một phần diện tích từ thâm canh cây lúa sang mô hình trồng sen với tổng diện tích hơn 38ha. Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều, từ cuối năm 2018, chính quyền xã đã triển khai mô hình trồng sen trên đất lúa tại ấp Nha Sáp và Cống Cả, mang lại hiệu quả tích cực cho nông dân. Bởi cây sen với ưu thế về thời gian thu hoạch ngắn, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ. Qua gần 1 năm thực hiện mô hình cho thấy, nghề trồng sen lấy gương trên đất ruộng là mô hình phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp, vật nuôi ở địa phương.

6jwi_13b
Ông Nguyễn Thành Vũ (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc sen. Ảnh: Hồ Phúc

Ông Nguyễn Thành Vũ, cán bộ phụ trách kinh tế xã Vĩnh Điều, một người luôn theo sát, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình trồng sen trên đất lúa ở địa phương này cho biết: “Ngay từ khi triển khai mô hình, phía chính quyền đã tuyên truyền cho bà con kiến thức, kinh nghiệm về các quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác, cách giữ nước cho cây sen. Đồng thời, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, chăm bón và khoảng cách thời gian cắt tỉa lá già, úa để tạo khoảng trống cho gương sen phát triển và ra nhiều hơn để đạt năng suất cao nhất. Đặc biệt, việc trồng sen không chỉ giúp các gia đình có thu nhập ổn định, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương từ công việc thu hoạch gương sen. Hiện tại, đến kỳ thu hoạch, các hộ trồng sen đều phải thuê từ 5 đến 7 nhân công để hái gương sen, nhờ đó, nhiều lao động tại địa phương có thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng/người /ngày”.   

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình trồng sen trên đất lúa đã mở ra hướng sản xuất mới cho người dân xã Vĩnh Điều, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con như hiện nay.

Ông Trần Thanh Lâm chia sẻ thêm: “Trồng sen là mô hình mới ở địa bàn xã Vĩnh Điều, vì vậy, chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc quy hoạch, mở rộng mô hình gắn với nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, rớt giá. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động những bà con có điều kiện chuyển sang trồng sen. Về lâu dài, nếu ổn định được đầu ra của cây sen, xã sẽ đề nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ nông dân có nhu cầu trồng sen vay vốn để đầu tư, từng bước phát triển cây sen trở thành một trong những giống cây chủ lực trong phát triển kinh tế của xã”.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO