Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Trong sắc đỏ hoàng hôn Vĩnh Tế

Biên phòng - Trong số các đồn Biên phòng nằm sát kế bên kênh Vĩnh Tế qua 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang gần gũi với dòng kênh lịch sử này nhất. Thẳng mặt phía Tây và ngay cổng doanh trại, mỗi khi hoàng hôn xuống, dòng kênh yên ả rực đỏ trong ráng chiều, biên thùy đẹp như một bức tranh.

Bình yên kênh Vĩnh Tế. Ảnh: Trương Thụy

Chúng tôi theo bước cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra cuối giấc chiều-theo cách gọi thời điểm hoàng hôn của người Tây Nam bộ. Đây là lúc kết thúc một ngày, cư dân biên giới lục tục trở về sau buổi làm nông, cánh đồng bên kênh Vĩnh Tế, đoạn sát biên giới thưa vắng hơn, lúc ấy BĐBP phải tăng cường kiểm soát địa bàn.

Thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán, xóm ấp dọc dòng kênh rực màu vàng cúc vạn thọ. Người Tây Nam bộ thích trưng bông đón Xuân, thích nước đầy ăm ắp vào dịp đầu năm nên họ xuất hành ra đồng bằng ghe xuồng, võ lãi chứ không đi đường bộ.

Băng qua kênh Vĩnh Tế về phía bờ sông Giang Thành, chúng tôi lên chiếc vỏ lãi gắn máy lướt đi trong ánh chiều. Đối diện qua đoạn biên giới này sang đất bạn Campuchia là một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, không có dân cư sinh sống nên cũng không có nhiều đường mòn như các đoạn khác. Một vài khoảng hở có thể có người qua lại đều được 4 chốt chặn của Đồn Biên phòng Phú Mỹ kiểm soát. Các chốt tuy không quá xa doanh trại tính theo đường chim bay, nhưng lại cách trở đò giang 2 lần, một lần qua kênh Vĩnh Tế và một lần qua sông Giang Thành. Các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đóng chốt theo tổ, tự tổ chức công tác và sinh hoạt. Ngoài việc phân công nhau gác 24/24 giờ mỗi ngày thì họ có thời gian đi tuần đường thủy bằng vỏ lãi, câu cá và giăng lưới ở các chân ruộng nước ngập sâu mênh mang quanh chốt bắt cá, tôm cho bữa ăn.

Một bến nước xuống kênh Vĩnh Tế. Ảnh: Trương Thụy

Thượng úy Danh Hải, Chốt trưởng chốt Vọng Chiêm, một sĩ quan trẻ người Khmer đang ở tuổi khao khát cống hiến, ra trường được về phục vụ ở chính mảnh đất quê hương mình đã được vài năm. Anh nói, cả tháng rồi không được đi phép về nhà thăm ba mẹ ở huyện bên vì tình hình chống dịch Covid-19 cập nhật liên tục. Các chốt sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Chàng trai Khmer rắn rỏi và cởi mở rất ưa đọc sách. Anh mang theo ra chốt cả sách tự học tiếng Khmer để rèn cả tiếng mẹ đẻ, phục vụ công tác. Anh chia sẻ, sau khi hết dịch, anh có thể dạy tiếng Khmer cho các anh em khác, muốn vậy, phải thông thạo ngôn ngữ này.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở chốt ban đầu bị muỗi đốt, người nổi u cục mưng mủ đau đớn, phải mãi mới khắc phục được, tự chế cả thuốc bằng lá cây, tinh dầu để chống muỗi. Xã biên giới Phú Mỹ, huyện Giang Thành có nhiều diện tích đầm lầy, kênh rạch, vàm sông, đất ngập nước và bao trọn cả cánh đồng cỏ bàng, cỏ lác rộng lớn nên muỗi nhiều vô số kể. Đất Kiên Giang trước đây nhắc tới Phú Mỹ toàn nói trại thành Phú “muỗi”. Con kênh Vĩnh Tế khơi dòng Hậu Giang từ Châu Đốc đổ ra Biển Tây đến xã Phú Mỹ cũng là đoạn cuối trước khi đổ vào vịnh Đông Hồ, ra Hà Tiên.

Và cảnh sắc hoàng hôn trên vịnh Đông Hồ, dọc sông Giang Thành là tuyệt cảnh của Hà Tiên. Gần Biển Tây, mùa gió bấc, hoàng hôn rõ nét đỏ rực chứ không mờ ảo vàng vọt như những nơi khác. Người đi trong hoàng hôn dọc sông Giang Thành dường như còn thấy đâu đó dấu ấn của một thời khẩn hoang giữ đất oanh liệt và hào hùng.

Tồn tại 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế không phải là đường biên giới mà nằm trọn trên đất Việt. Nhiều đoạn kênh nằm sát đường biên, qua xã Phú Mỹ, kênh nằm trong sông Giang Thành. Điều thú vị là con kênh huyền thoại này sẻ nước ngọt từ dòng Hậu Giang nên toàn bộ vùng tứ giác Long Xuyên đã được thau chua, rửa mặn, đồng đất trù phú trước cả vùng Đồng Tháp Mười.

Sách Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức đã ghi lại, kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc sẻ nước ra Hà Tiên hoàn thành năm 1820 nhằm mục đích lợi nông, ích thương. Con kênh có vị trí chiến lược và là lời khẳng định bờ cõi nước Nam, quyết định đến quan hệ quốc phòng với Cao Miên thời bấy giờ.

Nhiều thế hệ dân cư biên giới đã đào thêm các con kênh cựa gà dẫn nước từ Vĩnh Tế vào sâu trong cánh đồng, vừa làm đường thủy đi lại, vừa dẫn nước rửa phèn. Các đồn Biên phòng dọc kênh Vĩnh Tế lấy nước từ kênh để tăng gia, nhiều đồn lắp đặt trạm bơm để dân và quân cùng lọc nước dùng làm nước sinh hoạt. Một số đoạn kênh mở khẩu, chia nước cho cánh đồng lúa bên Campuchia. Nhân dân cả 2 quốc gia hưởng lợi từ dòng kênh lịch sử đã 2 thế kỷ.

Kênh Vĩnh Tế ban đầu được khơi mở từ Vĩnh Tế hà (sông Vĩnh Tế), hiện nay, ngọn Vĩnh Tế sơn (núi Vĩnh Tế, thường gọi là núi Sam) cũng là nơi thờ tự, xây lăng Thoại Ngọc Hầu và gia tộc, binh phu đào kênh, phụ tá của ông. Di tích lịch sử đặc biệt này thường xuyên được nhân dân các tỉnh Nam bộ ghé đến nhang khói, hành lễ, tôn xưng ông là Thần mở đất, khai lập địa, mang đến lương thực, trị an, cuộc sống no ấm cho cả dải biên thùy.

Người dân thu máy cày ruộng lên ghe trở về ấp. Ảnh: Trương Thụy

Cả một vùng non sông thủy tú đã khai mở và tồn tại đến ngày nay nhờ kênh Vĩnh Tế. Vị vua Gia Long lúc bấy giờ cũng là người khát khao mở rộng bờ cõi, có tài trí quân sự và tâm đắc chiêu thức giữ nước bằng đưa dân ra biên giới. Ông chủ trương đào kênh Vĩnh Tế để tạo nên các xóm ấp, cánh đồng trù phú ra phía Biển Tây. Dọc bờ kênh thi thoảng vẫn có những mái nhà tranh chân cao chống lũ nấp bên rặng cây thốt nốt. Hai bờ thả bèo tây, hoa sen, hoa súng rộn rã nở suốt bốn mùa. Hàng ngàn cây cầu gỗ bắc xuống mép nước để bà con làm chỗ rửa chân đi làm đồng và xách nước từ kênh lên, đồng thời làm chỗ cho thuyền ghe ghé lại, cập lên bờ.

Và cùng với chuyến tuần tra cuối giấc chiều của chúng tôi, bà con biên giới cũng ghé thuyền lại, đưa lên những máy cày, máy gặt đập lúa và lúa gặt sớm để chạy dọc kênh Vĩnh Tế, mang về các xóm ấp. Hết ráng đỏ hoàng hôn vào đêm, miền sông nước biên giới Tây Nam ngủ những giấc bình yên trước khi lại đón thêm những ngày mới.

Thống chế Thoại Ngọc Hầu, trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, Gia Định nhận chiếu chỉ của triều đình để đào kênh Vĩnh Tế trong 5 năm tại vị trí áp sát và chạy dọc theo biên giới Tây Nam sau khi đã đào xong kênh Thoại Hà. Cho đến nay, cả 2 vùng đất giáp biên của An Giang và Kiên Giang gồm Châu Đốc, Tịnh Biên, Giang Thành, Phú Mỹ, Hà Tiên đều còn lại dấu ấn của ông và phu nhân Châu Vĩnh Tế.

Trương Thụy

Bình luận

ZALO