Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 05:02 GMT+7

Trong nghĩa trang liệt sĩ

Biên phòng - Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm ấy, khi đang là học viên Trường Đại học Biên phòng, tôi rủ người bạn đồng hương, cùng đơn vị đi viếng nghĩa trang liệt sĩ thị xã Sơn Tây. Lúc đầu, cậu bạn có vẻ khá ngạc nhiên vì lời đề nghị này. Nhưng sau khi nghe tôi thuyết phục về một việc làm tri ân, nhiều ý nghĩa, anh bạn đồng ý.

Ảnh: minh họa

Hồi ấy, quê tôi chưa có đài tưởng niệm hay nghĩa trang liệt sĩ. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt nhìn thấy những tấm bia mộ liệt sĩ. Và cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận thật gần gũi sự hi sinh của những người lính đi trước. Họ ở ngay trước mắt chứ không còn là sự mường tượng trong những trang sách, những thước phim hay những câu chuyện kể nữa. Dẫu rằng đó chỉ là những tấm bia mộ biết nói. Tôi nghĩ, một nén tâm nhang, một động tác chào trang nghiêm của một quân nhân trẻ trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ sẽ khiến vong linh họ được ấm áp và nhờ vậy, tôi sẽ được tiếp thêm sức mạnh trên con đường binh nghiệp.

Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn giữ thói quen ấy. Dù đi tận cùng cực Bắc hay chót mũi cực Nam, tôi đều dành một chút thời gian để thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, khi có thể.

Tôi thích được một mình lặng lẽ, chăm chú đọc từng hàng chữ trên từng tấm bia mộ. Xúc động lắm khi tính ra tuổi đời của ai đó còn rất trẻ. Và xúc động hơn nữa khi bắt gặp một tấm hình liệt sĩ. Hình như tất cả các liệt sĩ, đặc biệt là các nữ liệt sĩ đều rất đẹp. Vẻ đẹp thánh thiện toát lên từ sự trong sáng, vô tư, nhất là đôi mắt. Tôi hay chú ý đến quê quán của các liệt sĩ. Và tôi thường bần thần trước một ai đó cùng tỉnh, đôi khi sởn gai ốc khi thấy một người cùng huyện, một người ở gần ngay xã quê mình.

Dù ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ thời chống Pháp, bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (Điện Biên) những năm tiễu phỉ, chống Mỹ, ở đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Đồn Pò Hèn (Quảng Ninh) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vĩ đại hay ở đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Đồn Long Khốt (Long An) trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đau thương, đều có những người con của quê hương tôi.

Tôi thường ngậm ngùi trước những ngôi mộ tập thể, những ngôi mộ “chưa xác định được họ tên liệt sĩ”. Tôi thích gọi như vậy thay vì những ngôi mộ “vô danh”. Chả ai là vô danh cả, họ đều là các anh hùng, liệt sĩ đã vì nước mà quên thân cả đấy, chỉ là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với các liệt sĩ mà thôi. Tôi hi vọng một ngày không xa, tất cả các liệt sĩ và thân nhân của họ đều được xác định trong trung tâm lưu trữ gen của cả nước, giống như trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ kỹ thuật số, mọi liệt sĩ sẽ được trả lại tên đầy đủ.

Còn một lý do nữa khiến tôi thường thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Ông bà nội tôi có ba người con đi bộ đội. Bác thứ ba và bố tôi trở thành thương binh và may mắn trở về. Bác cả tôi là liệt sĩ, đã hơn năm mươi năm rồi chưa tìm thấy mộ. Đây là niềm day dứt của cả gia đình tôi và bà nội tôi đã đem theo điều ấy về miền cực lạc. Dẫu biết rằng, giữa hàng triệu ngôi mộ liệt sĩ, tìm thấy tên bác tôi còn khó hơn tìm kim đáy bể. Nhưng mỗi lần vào nghĩa trang liệt sĩ là mỗi lần lòng tôi lại dấy lên niềm hi vọng.

Dù ở giữa đại ngàn Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 hay giữa mênh mông trời biển ở ngục tù Côn Đảo, Phú Quốc, chúng tôi vẫn căng mắt dõi tìm. Cho dù lý trí mách bảo, điều đó là vô vọng. Bố tôi bảo, mối ở Trường Sơn nhiều lắm. Bố tôi linh cảm, bác đã bị mối Trường Sơn xông hết. Biết bao ngôi mộ liệt sĩ mà phần hài cốt chỉ là một một chiếc dép cao su, một miếng tăng võng hay một nắm đất đen lẫn trong một chút xương vụn, mối còn chừa lại.

Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, gia đình tôi thường đến nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ngoài thói quen tâm linh cố hữu, đó còn là việc thăm viếng phần mộ cậu vợ tôi, một đồng chí xã đội trưởng bị quân ngụy phục kích bắn hi sinh, trên đường đi công tác, năm 1973. Sau khi cậu hi sinh ít lâu, vợ cậu cũng mất vì đạn địch. Cậu mợ không có con, vậy nên chúng tôi là những người con của cậu. Vợ chồng tôi chưa ai được gặp cậu, nhưng giờ đây lại là những người thân thiết nhất, từ ngày mẹ cậu tức là bà ngoại của chúng tôi qua đời. Vợ tôi thường lầm rầm kể cho cậu nghe về những câu chuyện trong đại gia đình mỗi lần ghé thăm viếng cậu.

Năm trước, hai bố con tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện, một ngày trước lễ quy tập hài cốt quân tình nguyện về nước. Bước vào nhà tưởng niệm, bố con tôi bỗng lặng người khi tận mắt chứng kiến rất nhiều chiếc tiểu sành phủ lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, trong mùi hương trầm nghi ngút tỏa. Đây là cả một trung đội liệt sĩ đã hi sinh bên đất nước Campuchia, nay trở về đất mẹ. Bố tôi bảo, nếu không may mắn trở về thì rất có thể ông cũng sẽ nằm đây, giống bao người đồng đội khác.

Ngay lúc đó, tôi nghĩ, cách tốt nhất để giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn về sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ đối với độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay là hãy đưa họ đến các nghĩa trang liệt sĩ. Ở đó, họ sẽ học được rất nhiều điều ý nghĩa từ những tấm bia mộ biết nói. Còn với riêng tôi, mỗi lần đặt đến chốn linh thiêng này, lòng tôi lại thường bùi ngùi, xúc động, một cảm giác trang nghiêm, kính cẩn bao trùm. Tôi thường lặng người trước đài tưởng niệm thật lâu, tưởng như trước mặt mình cả đoàn quân chiến thắng đang dõi nhìn.

Nguyễn Hội

Bình luận

ZALO