Biên phòng - Chiều 20-9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) và Dự án Trường Sơn Xanh (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ) tổ chức hội thảo về việc sản xuất các sản phẩm từ mây, cây dược liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao và tuyến biên giới tỉnh Quảng Nam.
Dự án này hướng đến mở rộng, trồng mới 100 héc ta mây dưới tán rừng, giúp đồng bào vùng cao có việc làm và sống thân thiện với rừng, phục hồi lại các sản phẩm truyền thống của người Cơ Tu đã bị mai một. Đồng bào địa phương sẽ được tổ chức làm 16 nhóm, sản xuất ra 64 sản phẩm mang đặc trưng của người Cơ Tu. Sản phẩm sẽ được thu mua, giới thiệu và bán tại Phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Bên cạnh sản xuất các sản phẩm từ mây thì dự án còn hướng đến việc thu mua, chế biến các sản phẩm dược liệu để góp phần ổn định một số mặt hàng nông sản, trong đó có đảng sâm. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 2.500 người dân, chủ yếu là phụ nữ và các hộ nghèo dân tộc Cơ Tu. Đây là dân tộc có nghệ thuật đan lát rất đẹp. Ban tổ chức dự án cho biết, một số sản phẩm của bà con mới đưa lên giới thiệu trên facebook đã có rất nhiều khách hàng đặt mua vì cho rằng, sản phẩm của đồng bào Cơ Tu khá tinh xảo.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải nhập một số sản phẩm mây từ thị trường của Indonesia, trong khi mây của Quảng Nam được đánh giá là nguồn nguyên liệu đẹp và tốt nhất Việt Nam. Vậy tại sao bà con nông dân ở vùng cao không trồng mây xen dưới tán rừng để tạo thu nhập.
Nhiều diện tích dự án nằm trên địa bàn biên phòng, góp phần giúp bà con vừa chăm sóc mây, gắn với việc bảo vệ biên giới.
Văn Chương