Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Trống Hơ Gor - nhạc cụ linh thiêng, tài sản quý giá của người Jrai

Biên phòng - Trong đời sống cộng đồng của người dân tộc thiểu số Jrai, tỉnh Gia Lai, trống Hơ Gor không đơn thuần là loại nhạc cụ truyền thống mà còn chứa đựng giá trị tinh thần, mang ý nghĩa linh thiêng trong sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng. Buôn làng nào có trống Hơ Gor to, có bộ chiêng quý, chứng tỏ ở đó có cuộc sống sung túc và quyền uy...

zt2j_9a
Trống Hơ Gor trong lễ hội truyền thống của đồng bào Jrai. Ảnh: Thái Vân

Theo lời giải thích của anh Rơ Châm Puih, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, trống Hơ Gor hay còn gọi là trống Cái, là linh vật của mỗi buôn làng trong cộng đồng Jrai vùng thung lũng Cheo Reo - Phú Bổn (các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa ngày nay). Trống Hơ Gor góp mặt vào tất cả các lễ hội của buôn làng, cùng với cồng chiêng, loại nhạc cụ truyền thống này được người Jrai quan niệm sẽ giúp chuyển tải tâm tư, tình cảm, lời cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu của buôn làng đến với Yàng (trời).  

Theo tiếng Jrai, Hơ Gor có nghĩa là trống lớn, trống đại, trống cha, chỉ được dùng vào việc lễ cúng của cộng đồng và gia đình như: Cúng mừng lúa mới, đám hỏi, đám cưới, mừng tuổi cho các bậc cao niên trong làng, cũng như việc ma chay... Tiếng trống Hơ Gor đánh lên báo hiệu trong làng sắp có chuyện lớn, trống đi kèm với bộ chiêng là vật linh thiêng nên không thể cho bất kỳ ai mượn. 

“Khi nghe tiếng trống vang lên với nhịp điệu rộn ràng thì dân làng biết là trong làng hay gia đình nào đó có chuyện vui, bà con sẽ kéo đến uống rượu mừng. Còn khi nghe tiếng trống đứt quãng, thanh âm rời rạc, trầm buồn, nghe như ai oán thì dân làng biết có chuyện buồn, có người chết” - Già làng Rô Nang ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cho biết.

Để chọn chất liệu làm trống Hơ Gor, thanh niên trai tráng trong làng cùng nhau vào rừng lựa chọn loại cây H,rai to, thẳng, sau đó chặt hạ đưa về để cho thật khô. Khi gỗ khô, già làng sẽ lựa chọn khúc gỗ tròn, đều để dùng làm thân trống theo kích thước của da trâu đã được chuẩn bị sẵn. Việc đẽo đục thân trống Hơ Gor đòi hỏi người thợ phải khéo léo, kỹ thuật, đẽo gọt phần ngoài sao cho đều, đục rỗng phần thân, độ dày cho thân trống không quá 2cm. 

Để chuẩn bị da trâu làm mặt trống, người Jrai thường chọn 2 con trâu to khỏe, sừng dài cong, lông mượt để cúng tế thần linh. Da trâu được cắt từ phần cổ xuống 4 chân, xẻ góc giữa bụng, lọc thành một mảng da lớn. Hai tấm da trâu này được căng đều 4 góc và phơi nắng khoảng 2 tháng tại sân nhà Rông cho đến khi da khô hẳn. Khi đã chuẩn bị xong các vật liệu làm trống, việc căn chỉnh da mặt trống để thẩm định thanh âm sẽ do già làng chịu trách nhiệm. Khi trống Hơ Gor được làm xong, theo quan niệm của ông bà tổ tiên, buôn làng sẽ tổ chức lễ cúng tạ ơn rồi mới đưa lên nhà Rông.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số Jrai khu vực Nam Gia Lai (thị xã Ayunpa, huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa) hiện còn lưu giữ trống Hơ Gor cùng bộ cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Những loại nhạc cụ truyền thống này đều được bà con cất giữ ngay tại nhà Rông của làng. 

Cùng với cồng chiêng, sử thi, trống Hơ Gor chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người dân tộc thiểu số Jrai. Ngày xưa, bên cạnh quan niệm tâm linh, loại nhạc cụ truyền thống này còn là tài sản quý giá của cộng đồng. Buôn làng nào có trống Hơ Gor lớn nhất vùng, chứng tỏ ở đó giàu có và quyền uy nhất.

Thái Vân - Cẩm Xuyên

Bình luận

ZALO